Theo dõi Báo Hànộimới trên

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015

Theo chinhphu.vn| 01/10/2015 21:39

Ngày 1/10, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà báo chí và dư luận xã hội quan tâm.

Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Nội vụ và Ngân hàng Nhà nước.

Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên gửi lời chúc sức khỏe, niềm vui đến những người cao tuổi Việt Nam nhân Ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, trong hai ngày 30/9 và 1/10, Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp phiên thường kỳ tháng 09/2015, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2015, nghe Bộ KH&ĐT báo cáo về dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 để chuẩn bị trình Trung ương và Quốc hội, nghe và cho ý kiến về 3 năm (2013-2015) triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; bàn một số vấn đề khác như về triển khai Nghị quyết 19 về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Người phát ngôn Chính phủ dành phần lớn thời gian trả lời các câu hỏi mà báo chí và dư luận xã hội quan tâm.

Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu


PV Chung Thủy (báo Vietnamnet): Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đối với báo cáo của UBND TP. Hà Nội về công trình xây dựng tại số 8B Lê Trực.

Việc bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam có nhiều điểm chưa hợp lý, chẳng hạn như bổ nhiệm Giám đốc Sở chỉ sau 5 tháng đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc Sở, hay bổ nhiệm với tần suất “kỷ lục” trong 3 năm liên tiếp. Xin hỏi Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Quảng Nam đã làm đúng quy trình, thủ tục bổ nhiệm chưa?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Ngày 24/9, sau khi có phản ánh của báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo UBND TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở tại số 8B Lê Trực, Ba Đình, Hà Nội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2015.

Chiều 30/9, Văn phòng Chính phủ đã nhận được báo cáo của UBND TP. Hà Nội. Văn phòng Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng, nhưng do bận chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ nên Thủ tướng chưa có kết luận cụ thể.

Đến giờ này, được biết, UBND TP. Hà Nội đã khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra, sơ bộ kết luận, công khai những sai phạm ban đầu, đánh giá mức độ, đề ra các biện pháp xử lý. Tôi đánh giá đây là hành động nghiêm túc, kịp thời của TP. Hà Nội.

Tuy nhiên qua thông tin trên báo chí, chúng tôi biết Chủ đầu tư đã có phản ứng lại kết luận của UBND TP. Hà Nội, khẳng định lại việc làm của họ. Như vậy tình huống đặt ra là phải tiếp tục theo dõi, xem xét, nghiên cứu. Chúng tôi sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét kỹ vấn đề này để có chỉ đạo cụ thể. Nếu thấy cần thiết, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập đoàn thanh tra để xác minh, làm rõ trước khi có chủ trương xử lý nghiêm minh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Việc bổ nhiệm các chức danh căn cứ theo quy định của Đảng, Nhà nước về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục thực hiện. Vừa qua báo chí đã nêu những điểm còn khó hiểu về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục bổ nhiệm giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam. Hiện nay Bộ Nội vụ đã thành lập tổ công tác để rà soát lại toàn bộ quá trình bổ nhiệm có đúng các quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Đảng, Nhà nước hay không.

Chúng ta cũng cần lưu ý thêm, hiện nay, bên cạnh các quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đối với các chức danh lãnh đạo quản lý, các bộ, ngành, địa phương có thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm riêng của mình để bổ sung thêm các tiêu chuẩn, quy định cụ thể, nhưng không được trái các quy định hiện hành. Sau khi tổ công tác kết thúc làm việc với tỉnh Quảng Nam, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành họp báo riêng để thông báo chi tiết những vấn đề dư luận đang quan tâm liên quan đến việc bổ nhiệm Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam, cũng như có kết luận về việc bổ nhiệm này có đúng với các quy định của Đảng, Nhà nước hay không.

PV Hoàng Thùy (báo điện tử VnExpress):Theo Nghị định của Chính phủ về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời Việt Nam, những công trình có chiều cao 45 m so với mặt đất tự nhiên phải xin ý kiến của Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam. Vậy, hiện nay, Bộ Quốc phòng đã có báo cáo nào giải thích nguyên nhân tại sao mà Bộ Quốc phòng lại cho phép tòa nhà 8B Lê Trực được khởi công xây dựng và vị trí của tòa nhà này có ảnh hưởng gì đến an ninh quốc phòng hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Chúng tôi chưa nhận được báo cáo trực tiếp của Bộ Quốc phòng về vấn đề này nhưng chiều nay tôi có xem thông tin trên mạng và thấy sau khi chủ đầu tư lên tiếng rằng việc giấy phép, thủ tục để xây dựng tòa nhà này là đầy đủ, Bộ Quốc phòng cũng đã lên tiếng rằng Bộ chỉ cho ý kiến chung, theo chức năng, nhiệm vụ chứ không phải cho phép như nhận thức của chủ đầu tư. Đó là những thông tin tham khảo còn đến giờ này Văn phòng Chính phủ chưa nhận được báo cáo chính thức. Và khi Thủ tướng Chính phủ xem xét, sẽ yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác.

PV Thế Dũng (báo Người Lao động):Cũng liên quan đến toà nhà 8B Lê Trực, cho đến hôm nay đã có báo cáo chính thức gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đó có nói rõ vượt phép 16 m. Việc vượt phép 16 m đã bị xử lý ban đầu và sau đó chủ đầu tư vẫn tiếp tục duy trì. Đến nay, cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan liên quan như chính quyền địa phương, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng, các cơ quan liên quan cấp quận. Thanh tra xây dựng Thành phố có xem xét vụ việc này không? Bộ trưởng có nói, có thể sẽ lập đoàn thanh tra. Vậy, việc của tòa nhà Lê Trực lần này có cần thiết Thanh tra Chính phủ vào cuộc như vụ chặt cây xanh ở Hà Nội hay không?

Gần đây, báo Người Lao động có bài về việc lãnh đạo huyện Mỹ Đức có đến 10 người họ hàng được bổ nhiệm vào các vị trí khác nhau của huyện Mỹ Đức. Vậy Chính phủ và Thanh tra Chính phủ có nắm được việc này hay không và nắm như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Như tôi vừa nói, đến giờ này VPCP mới nhận được báo cáo và đang trình Thủ tướng Chính phủ. Những tình tiết sai phạm trong báo cáo đã được UBND TP. Hà Nội thông tin rộng rãi đến các bạn rồi. Tôi vừa nhận được thông tin bằng văn bản của Văn phòng UBND TP. Hà Nội, trong đó cũng có ghi những sai phạm khá cụ thể. Tôi sẽ đề nghị chuyển thông tin này cho các bạn để chúng ta nghiên cứu. Còn Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét nên chưa thể nói được gì bởi vì muốn xem xét cụ thể, rõ ràng và đưa ra những kết luận thì phải có đầy đủ cơ sở mới có thể trả lời được. Trong lúc này chúng tôi chưa có, chỉ mới nhận được báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ với những quan điểm của cơ quan tham mưu.

Thứ hai, như tôi vừa nói, nếu như báo cáo chưa đầy đủ hoặc hồ sơ chúng tôi có chưa đầy đủ thì chắc chắn rằng chúng tôi sẽ đề xuất, tham mưu với Thủ tướng là lập đoàn thanh tra để làm rõ trước khi Thủ tướng Chính phủ kết luận. Điều đó cũng là bình thường.

Vấn đề thứ hai là sự kiện ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội, có thông tin rằng ở đây có đề bạt và bố trí một số cán bộ là người thân của người lãnh đạo. Chúng tôi đã có thông tin là hiện nay lãnh đạo Hà Nội đã cử đoàn công tác do đồng chí Thành ủy viên Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức trực tiếp về xem xét, kiểm tra và có kết luận, đã công khai rộng rãi trên thông tin đại chúng. Về vấn đề cán bộ thì Đảng và Nhà nước chúng ta đã có phân cấp rất rạch ròi, có quy trình, quy định, tiêu chuẩn, kể cả có phương pháp, cách làm như thế nào cho khách quan, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Vậy cấp nào làm sai, cấp đó chịu trách nhiệm. Cho nên phạm vi cấp huyện của TP. Hà Nội sẽ do lãnh đạo TP. Hà Nội chỉ đạo xử lý. Lãnh đạo Hà Nội đã làm những việc cần làm và đã thông báo rộng rãi.

PV Nghĩa Nhân (báo Pháp luật TPHCM):Từ cuộc họp trước, báo chí đã rất quan tâm tới vấn đề quy hoạch báo chí và Chính phủ đã giao cho Bộ TT&TT và tuần trước đã có công bố rồi. Hôm nay, Bộ TT&TT làm việc với TPHCM về vấn đề này, nhưng chúng tôi nhận được thông tin là báo Pháp luật TPHCM và các báo khác tại TPHCM không được tham gia cuộc làm việc đó. Chúng tôi là đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh của quy hoạch đó nhưng không được tham gia, thì chúng tôi rất băn khoăn. Đề nghị Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ TT&TT cho ý kiến về vấn đề này.

Thứ hai, qua những gì đã công bố thì chúng tôi cảm nhận được rằng có khả năng thu hẹp hoạt động của một số cơ quan báo chí. Như vậy, xin lấy ví dụ, cuộc họp báo Chính phủ hôm nay thay vì có nhiều phóng viên đưa tin thì số lượng tham gia họp báo Chính phủ sẽ bớt đi. Với tư cách là Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đánh giá tác động ấy thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Trước hết, chúng ta đã biết quan điểm, kết luận của Đảng xung quanh vấn đề quy hoạch báo chí.

Về quan điểm của Chính phủ, hôm họp mặt báo chí nhân Ngày Báo chí Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã nói rất nhiều, rất rõ, cụ thể về vấn đề thực hiện quy hoạch báo chí. Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Bộ TT&TT tiếp tục triển khai, lắng nghe, sau đó đề xuất kiến nghị trước khi Thủ tướng thực hiện nhiệm vụ của mình theo chỉ đạo, theo phân công. Tôi nghĩ rằng những gì phải nói thì Thủ tướng cũng đã nói, và Đảng cũng có kết luận vấn đề này, có nghĩa là làm gì thì làm nhưng phải quan tâm tới việc ổn định, không để xáo trộn, quan tâm tới đội ngũ những người làm báo để tiếp tục có điều kiện, có cơ hội cống hiến cho đất nước. Còn cụ thể như thế nào, sắp xếp ra làm sao thì hiện nay Bộ TT&TT đang đi các địa phương để tiếp tục nghe ý kiến đóng góp. Sau khi lắng nghe đầy đủ, sẽ tổng hợp báo cáo, lúc đó chúng ta sẽ bàn kỹ để thực hiện công việc như theo quan điểm tôi vừa nói.

Cụ thể quy hoạch này như thế nào, hôm nay cũng là dịp để chúng ta tiếp tục trao đổi, chia sẻ. Đây là công việc của chúng ta, Nhà nước và báo chí là những người đồng hành với nhau để lo công việc này. Hiện nay một số bình luận, băn khoăn trên một số diễn đàn về việc xử lý như thế nào không phải hoàn toàn là vô cớ. Nhưng, quan điểm như tôi vừa nói là làm thế nào cho ổn, chứ không phải làm cho có, để sau đó chúng ta củng cố và phát triển tốt hơn như Bộ trưởng Bộ TT&TT đã từng nói với các bạn trong buổi họp vừa rồi. Đề nghị các bạn hết sức thoải mái, không có gì quá băn khoăn, lo lắng. Hãy ngồi lại để cùng đóng góp những gì thấy cần thiết để Bộ TT&TT là cơ quan được giao lắng nghe cầu thị, tập hợp đầy đủ ý kiến để tham mưu xác đáng cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước khi ký quy hoạch này.

Đề nghị đồng chí Nguyễn Thành Hưng tiếp tục trao đổi một số tình hình cần thiết tại diễn đàn hôm nay để chúng ta chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng: Trước hết tôi cũng xin được chia sẻ tâm tư lo lắng của báo Pháp luật TPHCM. Tôi có thể khẳng định như thế này, giống như Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã nói, việc quy hoạch báo chí như thế nào thì chúng ta đã thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và với tinh thần chúng ta làm một cách thận trọng, có lý, có tình.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT đang triển khai các đoàn công tác để trực tiếp làm việc với các cơ quan chủ quản, lắng nghe, tìm hiểu các tâm tư, nguyện vọng cũng như bàn phương thức thực hiện quy hoạch này có tình có lý nhất.

Trên tinh thần đó, đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực báo chí xuất bản hiện nay đang trong chương trình công tác tại TPHCM cũng như tại các tỉnh phía Nam. Tinh thần là Bộ TT&TT phải làm việc với đơn vị chủ quản. Còn việc sắp xếp như thế nào là việc các cơ quan chủ quản đã lĩnh hội được tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ rồi thì sẽ phải có kế hoạch sau khi bàn bạc, làm việc với Bộ TT&TT. Chúng tôi khẳng định, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ phê duyệt quy hoạch sau khi Bộ TT&TT đã thống nhất phương án với các cơ quan chủ quản.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng - Ảnh: VGP/Quang Hiếu


PV Nghĩa Nhân:Vậy có cơ hội nào để các cơ quan báo chí có ý kiến phản biện về vấn đề này không?

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng: Tôi nghĩ rằng chắc chắn chúng ta làm việc với tinh thần dân chủ. Trước khi cơ quan chủ quản có kế hoạch gì đối với các tờ báo thuộc chủ quản của mình thì chắc chắn cơ quan chủ quản đó sẽ phải bàn bạc dân chủ với cơ quan báo chí mà mình phụ trách. Ngoài ra, các đồng chí có tâm tư, nguyện vọng thì hoàn toàn có thể gửi lên để đề đạt với Bộ TT&TT. Trong quá trình làm việc với các cơ quan chủ quản, chúng tôi chắc chắn sẽ lắng nghe những ý kiến hợp lý của các cơ quan báo chí.

PV Phi Long (báo Lao động):Được biết Bộ Y tế vừa trình Chính phủ về Đề án tăng giá dịch vụ viện phí. Vậy lộ trình tăng sẽ như thế nào và căn cứ nào để đưa ra việc tăng giá này? Cùng với việc tăng giá thì chất lượng dịch vụ có tăng hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Chúng tôi sẽ trả lời bạn bằng văn bản vì nội dung này rất dài và rất nhiều chi tiết. Hôm nay lại không có Bộ Y tế ở đây nên chúng tôi không thể có đầy đủ nội dung chi tiết và thời gian để nói hết về quá trình chuẩn bị, sắp xếp, lộ trình… của Đề án này.

PV Chí Hiếu (báo điện tử VnExpress):Được biết, Chính phủ vừa qua có bàn phát hành trái phiếu quốc tế ngắn hạn cho các công trình GTVT. Không biết có đúng vậy không? Nếu có thì xin cho biết đánh giá về việc sử dụng trái phiếu quốc tế ngắn hạn cho các công trình dài hạn như GTVT? Các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng thương mại trong nước đang có khoản gửi ở ngân hàng nước ngoài nên đem về cho Chính phủ vay. Xin đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết quan điểm về vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Thông tin bạn hỏi về việc huy động vốn trái phiếu quốc tế ngắn hạn cho các công trình GTVT, thì tôi khẳng định đó là không chính xác.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến: Về khả năng sử dụng nguồn vốn của ngân hàng thương mại đang gửi ở nước ngoài, Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN đã tiến hành nghiên cứu, xem xét. Hiện nay, Bộ Tài chính xây dựng phương án để có thể huy động được nguồn vốn này. Phương án này đang được Chính phủ xem xét. Chúng tôi thấy rằng đây là một trong các giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như hoạt động của các ngân hàng hiện nay để có đóng góp thêm vào các nguồn ngân sách.

PV Thu Hằng (báo điện tử Vietnamnet):Xin có câu hỏi đối với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Liên quan đến việc Quảng Nam bổ nhiệm Giám đốc Sở KH&ĐT, Thứ trưởng nói là cần kiểm tra lại. Nhưng thông tin nói là chính Chủ tịch UBND tỉnh và chính Ban Tổ chức của tỉnh trả lời rằng quy định, điều kiện của Bộ phải là chuyên viên chính chỉ là tiêu chí phụ. Tỉnh đã bỏ qua tiêu chí này. Vậy điều đó rõ ràng rồi, chính tỉnh đã thừa nhận. Có cần phải kiểm tra lại và phải chờ để đưa ra kết luận về sự việc này hay không?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Về quan điểm, trước khi kết luận về một vấn đề đúng hay sai, chúng ta phải trực tiếp kiểm tra, xem lại các văn bản, hồ sơ về quy trình triển khai thực hiện. Như tôi đã trả lời lúc đầu, chúng ta phải căn cứ vào những tiêu chuẩn và điều kiện quy định đối với việc bổ nhiệm chức danh Giám đốc Sở. Trên cơ sở đó mới có thể chính thức đưa ra kết luận là việc bổ nhiệm đó đúng quy định của Đảng và Nhà nước chưa.

Thứ hai, về tiêu chuẩn và điều kiện, đối với tất cả chức danh lãnh đạo, quản lý đã được quy định điều kiện bổ nhiệm thì tất cả tiêu chuẩn, tiêu chí đều như nhau. Đã là tiêu chuẩn và điều kiện thì tất cả đều có giá trị như nhau đối với mỗi chức danh lãnh đạo quản lý. Khi những người được đưa ra xem xét thì phải hội đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định, không có phân biệt tiêu chuẩn chính, tiêu chuẩn phụ. Tuy nhiên, có thể các đồng chí có trách nhiệm của tỉnh khi trả lời miệng thì chia sẻ như vậy. Để có một câu trả lời chính thức, sẽ có đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ, với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao quản lý Nhà nước về cán bộ công chức. Sau khi xác minh, kiểm tra, làm rõ việc bổ nhiệm này, chúng tôi sẽ có thông báo chính thức tại phiên họp báo gần nhất của Bộ Nội vụ để các cơ quan báo chí nắm được, truyền tải cho người đọc. Chúng ta làm việc công khai, minh bạch, rõ ràng nhưng phải có trách nhiệm. Tất cả phải thể hiện trên văn bản. Khi có biên bản, báo cáo chính thức của tỉnh Quảng Nam, chúng ta sẽ thông tin có căn cứ, cơ sở hơn. Nhiều khi có thể trong các cuộc họp, chúng ta nói chưa được chính xác lắm. Nhưng có thể khẳng định lại, đã là tiêu chuẩn, điều kiện thì không có tiêu chuẩn nào là chính và phụ cả.

PV Cầm Văn Kình (báo Tuổi Trẻ):Việc thu phí xe máy mới triển khai một năm đã phải dừng lại. Tác động chính sách đã được Bộ GTVT đánh giá đầy đủ chưa và trong thời gian ngắn chính sách đã phải dừng như thế thì Bộ có rút kinh nghiệm gì không và Chính phủ có chỉ đạo Bộ rút kinh nghiệm không?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Bộ GTVT căn cứ đề nghị của các địa phương và thực tiễn, đã đề nghị Chính phủ dừng thu phí đường bộ với xe máy từ 1/1/2016. Tại sao lại có quyết định như vậy? Trong Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ có quy định thu phí với xe máy và giao UBND các tỉnh trực tiếp thu từ năm 2013, toàn bộ khoản thu để lại địa phương để duy tu đường của địa phương. Qua gần 3 năm thực hiện, số thu không nhiều, nguyên nhân là chưa có chế tài xử lý người không nộp. Chúng tôi và Bộ Tài chính đã tính đến việc UBND các phường, xã trực tiếp thu từ người có hộ khẩu ở địa phương để họ tự khai báo. Nhưng hiện nay, có thực trạng người chủ và người sử dụng không ở một nơi, chẳng hạn bố mẹ đăng ký xe máy sau đó cho con ra thành phố đi học, nên khả năng thu rất thấp. Đặc biệt, ở vùng sâu vùng xa, dù đã miễn thu với hộ nghèo nhưng vẫn ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Trên thực tế số thu không đủ số chi ở địa phương. Trước tình hình đó, Bộ GTVT và Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí với mô tô, xe máy. Chúng ta biết hiện có khoảng 40 triệu xe máy, bình quân thu khoảng 70.000 mỗi xe, nếu thu được hết sẽ được 2.800 tỉ, trong khi tổng số thu với ô tô chỉ khoảng 5 nghìn tỉ đồng. Số tiền đó nếu thu được sẽ có tác dụng khá lớn để duy tu đường địa phương. Nhưng do chưa có chế tài với người không nộp nên chúng tôi kiến nghị dừng thu để nghiên cứu tiếp, dùng các khoản thu khác để bù vào. Trước đây, thu phí qua trạm đã bỏ thu với xe máy rồi, chỉ thu với ô tô, thì bây giờ cũng theo hướng như thế để phù hợp với nguyện vọng của người dân.

PV Chí Hiếu:Vừa qua truyền thông khẳng định đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc duyệt đề nghị tài trợ hơn 4 triệu USD cho Dự án khả thi Sân bay Long Thành. Xin cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về vấn đề này hay chưa? Và xin hỏi Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường là ngoài phương án 4 triệu USD còn có phương án 35 triệu USD của Chủ đầu tư dự án khả thi là ACB đã báo cáo. Tại sao có sự chênh lệch lớn như vậy và liệu con số 35 triệu USD có quá nhiều hay không?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Dự án xây dựng Sân bay Long Thành sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện Dự án này, trên cơ sở lập phương án đầu tư để báo cáo Quốc hội, cũng như báo cáo Chính phủ, đưa ra phương án để lựa chọn. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ rút ngắn thời gian để có thể làm sớm công tác giải phóng mặt bằng, cũng như chuẩn bị xong dự án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội, có thể khởi công vào năm 2018. Đấy là dự kiến của Bộ.

Như các đồng chí đã biết, Dự án Long Thành tổng thể là 100 triệu hành khách một năm khi chúng ta hoàn chỉnh toàn bộ. Để nghiên cứu báo cáo, chúng ta phải nghiên cứu tổng thể toàn bộ phương án cho cả 3 giai đoạn. Chúng ta cần một khoản tiền để nghiên cứu kỹ lưỡng, từ khảo sát đánh giá tác động, cũng như đưa ra các phương án để lựa chọn, và đặc biệt phải đấu thầu, tư vấn quốc tế. Tất cả những việc đó, theo như suất đầu tư của các nước làm cho giai đoạn nghiên cứu lập phương án, tính ra phương án này khoảng 35 triệu USD.

Giai đoạn 1, như các đồng chí đã biết, chúng ta chỉ xây dựng một đường băng cất hạ cánh và một nhà ga cùng một số dịch vụ thiết yếu để có thể đáp ứng được 25 triệu hành khách một năm, trước mắt là tăng cường cho Sân bay Tân Sơn Nhất. Khi đưa vào nghiên cứu phương án khả thi, số tiền đó chưa cần lớn đến như vậy. Các giai đoạn nghiên cứu khác nhau cho nên số tiền khác nhau. Tuy nhiên tất cả phải dựa trên số liệu cũng như cách làm mang tính chất tổng thể nhất và các chi phí đưa ra hợp lý nhất, để có một đề án tốt nhất. Trên thế giới, bất cứ quốc gia nào, đối với những sân bay trung chuyển như của chúng ta thì người ta làm rất chu đáo và cẩn thận, phải qua nhiều cuộc hội thảo, cũng như nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới thì mới lựa chọn được phương án tốt nhất. Những gì công bố mới là sơ bộ, còn đến nay Bộ chưa công bố số tiền lập phương án sân bay một cách chính thức.

Việc tài trợ hiện nay cũng chưa có một tổ chức nào chính thức mà chỉ nêu các vấn đề như thế. Bộ đang nghiên cứu để có thể báo cáo Thủ tướng. Khi điều kiện cho phép mới có thông tin chính thức.

PV Tuấn Nam (báo Một thế giới): Trong thời gian vừa qua, báo chí có đưa thông tin về việc nhiều địa phương tỉnh Hà Tĩnh có yêu cầu các chủ nhà hàng cam kết dùng bia Sài Gòn. Một số ý kiến cho rằng hành động này vi phạm luật cạnh tranh. Xin Bộ Công Thương cho biết ý kiến về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, và đồng thời cũng đang phát triển các hoạt động quốc tế và chúng ta đều hiểu rằng, cạnh tranh và đảm bảo môi trường cạnh tranh là một trong những nguyên tắc rất quan trọng và là động lực để thúc đẩy sự phát triển cũng như nền kinh tế. Vì vậy, chúng ta đã rất khẩn trương trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện môi trường kinh doanh cũng như là môi trường phát triển cho doanh nghiệp của chúng ta, trong đó có dựa trên nguyên tắc cạnh tranh, và cụ thể hoá bằng Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội thông qua năm 2004. Trên thực tế, Luật Cạnh tranh đã đi vào hoạt động và đã có tổ chức thực hiện ở tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội.

Ở đây, khi nói đến quan điểm chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương về việc định hướng, yêu cầu nhân dân, cán bộ uống bia của một doanh nghiệp cụ thể, thì rõ ràng chúng ta thấy bản chất có sự không phù hợp với những quy định trong luật pháp về môi trường cạnh tranh, mà cụ thể là Luật Cạnh tranh.

Tuy nhiên để có thể đánh giá về bản chất của vấn đề này cũng như những thông tin cụ thể liên quan đến các điều hành chỉ đạo, cũng như là vai trò của cơ quan quản lý tại địa phương, Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh đã có văn bản đề nghị tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về những nội dung mà một số cơ quan truyền thông đã đưa tin liên quan đến vụ việc này. Trên cơ sở các cơ quan chuyên môn của Bộ cũng như các cơ quan liên quan nghiên cứu đánh giá, chúng tôi sẽ có những bước tiếp theo để làm việc với các cơ quan liên quan tại địa phương, tiếp tục có định hướng trong việc thực thi pháp luật đúng theo quy định của luật, cũng như trên hoạt động quốc tế của chúng ta.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.