(HNNN) - Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), có tính đến thực tế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0), Hồng Kông (Trung Quốc) tiếp tục nằm trong top 3 thế giới về năng lực cạnh tranh nói chung và top 5 về năng lực cạnh tranh kỹ thuật số. Hồng Kông đang nỗ lực cải thiện về nhiều mặt để trở lại đỉnh cao từng nắm giữ.
Hồng Kông là một Đặc khu hành chính của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), được hưởng quy chế tự trị cao cho đến ít nhất là năm 2047. Với diện tích 2.755km2, dân số hơn 7,5 triệu người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, Hồng Kông là nơi có mật độ dân số “dày” thuộc top 5 thế giới.
Từ những năm cuối thế kỷ XIX, Hồng Kông đã là trung tâm tài chính của châu Á, một trung tâm thương mại toàn cầu, nơi đặt trụ sở của nhiều công ty, ngân hàng lớn trên thế giới. Đây là cửa ngõ cho các nguồn lực đầu tư đổ vào Trung Quốc. Việc áp dụng chính sách “một quốc gia, hai chế độ” tạo cho Hồng Kông lợi thế cạnh tranh rất lớn trong khoảng thời gian dài. Cụ thể, chính quyền trung ương chịu trách nhiệm về quốc phòng và ngoại giao, còn vùng lãnh thổ này được duy trì hệ thống pháp luật, thị trường tự do, chế độ tiền tệ... Tính quốc tế của Hồng Kông được bảo đảm và tăng cường.
Sau nhiều năm thực hiện công nghiệp hóa, phát triển mạnh đầu tư và kinh doanh, duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 3,3%/năm, đến những năm chín mươi của thế kỷ trước, Hồng Kông trở thành một trong “tứ hổ châu Á” (cùng với Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan). Hồng Kông thực hiện phát triển kinh tế thị trường, áp mức thuế thấp và chính phủ ít can thiệp vào kinh tế. Quyền điều khiển thị trường hầu như thuộc về các lực lượng thị trường và khu vực tư nhân. Từ năm 1995, khi bắt đầu có chỉ số xếp hạng tự do kinh tế thế giới thì Hồng Kông đã lên ngôi số một và giữ vị trí đó trong 13 năm liền. Năm 2019, thu nhập bình quân đạt 64.928 USD/người, lọt top 10 thế giới.
Theo đánh giá của Giáo sư Arturo Bris, Giám đốc Trung tâm Năng lực cạnh tranh thế giới (Viện Quản lý phát triển quốc tế - IMD, trụ sở tại Thụy Sĩ), những thành tựu của Hồng Kông là kết quả của chiến lược phát triển được hoạch định từ lâu. Việc tạo ra thị trường tự do cởi mở, đa dạng các dịch vụ thương mại, ưu đãi thuế... đã tạo điều kiện rất tốt cho các doanh nghiệp chủ động thực hiện chiến lược phát triển của mình. Việc tìm kiếm các giải pháp nhằm tăng cơ hội việc làm cho giới trẻ cũng là một điểm cộng trong chính sách xã hội của đặc khu này.
Về kinh tế đối ngoại, Hồng Kông thực hiện thỏa thuận thuế quan song phương với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ và có thêm những chính sách khuyến khích các tập đoàn xuyên quốc gia đến Hồng Kông lập trụ sở. Hồng Kông hiện là thành phố toàn cầu hạng Alpha (kết nối rất lớn với kinh tế thế giới), có vị thế rất cao. Những điều đó cho thấy, Hồng Kông sẽ còn duy trì tốt thứ hạng cao về năng lực cạnh tranh trong những năm tới đây.
Đặc biệt, riêng về năng lực cạnh tranh kỹ thuật số toàn cầu, từ vị trí thứ 8 năm 2019, Hồng Kông vượt lên đứng thứ 5 trong năm 2020 và chắc chắn sẽ chưa dừng lại. Hồng Kông có đội ngũ chuyên gia công nghệ kỹ thuật số đáp ứng được cả 3 yêu cầu của IMD là: Kiến thức (hiểu và phát triển các công nghệ mới), công nghệ (khả năng phát triển những công nghệ kỹ thuật số mới), mức độ rất cao về tinh thần sẵn sàng khai thác chuyển đổi kỹ thuật số cho tương lai. Đó là 3 nội dung, là động lực chính cho phát triển kinh tế được Hồng Kông tạo điều kiện dung dưỡng tốt nhất.
Ông Arturo Bris nhấn mạnh: Trong thế giới hậu Covid-19, nền kinh tế này sẽ phục hồi nhanh chóng vì có nền tài chính công hùng mạnh, nhưng về cơ bản là nhờ khả năng cạnh tranh kỹ thuật số, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế trong doanh nghiệp, chính phủ và xã hội.
Dù đã và đang vững vàng trên đỉnh cao thế giới, các nhà quản lý ở Hồng Kông vẫn cho rằng nơi này còn dư địa để cải thiện tốt hơn nữa nhiều lĩnh vực, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng, sáng tạo khoa học công nghệ, chi phí sinh hoạt... Bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), Đặc khu trưởng Hồng Kông nói: “Tôi ủng hộ mong muốn của nhiều người rằng chúng ta phải làm mới tinh thần làm việc của Hồng Kông. Hồng Kông cần những suy nghĩ mới; đưa tiếng nói trẻ vào chính quyền, cải thiện tính minh bạch và thúc đẩy sự phát triển”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.