(HNM) - Lãnh đạo nhà trường sai phạm, các hộ giáo viên tại tổ 40, cụm 5, Xuân La đang phải gánh chịu hậu quả. Thế nhưng, trong khi lãnh đạo nhà trường chưa ai bị xử lý, kỷ luật, thì trường vẫn được giao quyền chọn chủ đầu tư. Còn việc quan tâm tới quyền lợi của hơn hai chục hộ giáo viên cho tới nay vẫn chưa có gì rõ ràng.
Sai phạm, nhưng vẫn được giao quyền chọn chủ đầu tư
Kết luận 380/KL - TTTP, ngày 17-3-2010 của Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ rõ những sai phạm của BGH Trường Trung cấp nghề GTCC trong quản lý sử dụng đất, cũng như chi tiêu sai mục đích số tiền mà các hộ giáo viên tại tổ 40, cụm 5, phường Xuân La đóng góp. Riêng số tiền 554 triệu đồng thu của giáo viên, lãnh đạo nhà trường đã sử dụng một cách tùy tiện. Cụ thể như chi hơn 313 triệu đồng để trả nợ (từ năm 1993) cho việc cải tạo, sửa chữa nhà làm việc và gara ô tô tại 360 Lạc Long Quân, hoặc việc chi hơn 240 triệu đồng cho việc đo đạc, cải tạo, sửa chữa khu tập thể giáo viên tại tổ 40, cụm 5, Xuân La (nhưng theo các hộ giáo viên ở đây số tiền cải tạo, xây ngăn hồi đó chỉ khoảng 20 triệu đồng - PV). Trớ trêu là trong số hơn 240 triệu đồng trên có khoản chi 155,97 triệu đồng là "tiền hợp thức đất", nhưng trên thực tế đất của các hộ giáo viên cho tới nay vẫn không được hợp thức mà đang có nhiều khả năng phải thu hồi (!?)
Trong kết luận của Thanh tra TP Hà Nội (từ tháng 3-2010) có đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, nhưng cho tới nay vẫn chưa có hình thức kỷ luật cụ thể. Đem thắc mắc này tới Sở LĐ-TB&XH (đơn vị chủ quản của Trường Trung cấp nghề GTCC). Ông Lê Toàn Khang (Phó Giám đốc sở) cho biết, Sở LĐ-TB&XH đã họp kiểm điểm Đảng ủy, Ban lãnh đạo nhà trường và nhà trường đã có báo cáo 245/ TCN - GTCC về họp kiểm điểm, chịu các hình thức phê bình trước lãnh đạo Sở. Tuy nhiên, theo ông Lê Toàn Khang, việc xem xét cụ thể hơn sẽ phải đợi vào kết quả cuộc họp tuần sau.
Trong khi việc xử lý kỷ luật Trường Trung cấp nghề - GTCC Hà Nội chưa rõ ràng thì nhà trường lại được giao quyền lựa chọn, giới thiệu chủ đầu tư cho dự án xây dựng nhà chung cư trên diện tích đất thu hồi. Dựa trên kết quả thanh tra, ngày 16-4-2010 UBND TP Hà Nội đã ra công văn 2633/UBND - TNMT, giao quận Tây Hồ lập hồ sơ thu hồi 1.899m2 đất tại tổ 40, phường Xuân La do Trường Trung cấp nghề GTCC Hà Nội quản lý, sử dụng sai mục đích…; đồng thời lựa chọn đơn vị có năng lực đề xuất UBND TP giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất trên theo quy hoạch đã được phê duyệt… Tiếp đó, ngày 15-6-2010 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển đã ký quyết định 2709/QĐ - UBND với nội dung nêu rõ việc phải thu hồi hơn 1.899m2 đất tại địa điểm trên để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư cao tầng. Tại khoản 2 (Điều 2) của quyết định có nêu:" - Trường có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện công tác GPMB, báo cáo, đề xuất thực hiện dự án đầu tư theo quy định để trình thành phố xem xét…". Tại tờ trình số 232/TCN - GTCC, ngày 8-6-2011 nhà trường đã xin phép được giới thiệu chủ đầu tư dự án xây dựng công trình nhà ở chung cư 15 tầng tại tổ 40, cụm 5 Xuân La, mà cụ thể là Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 52 (Handinco 52). Đề xuất của nhà trường đã được Sở Tài chính chấp thuận (tại công văn 2898/STC - QLCS) và đề nghị thành phố phê duyệt… Điều này đã và đang gây thắc mắc cho nhiều cư dân tại tổ 40, cụm 5 Xuân La về tính minh bạch trong lựa chọn chủ đầu tư cho dự án "khu đất vàng" gần 1.900m2 trên địa bàn phường Xuân La. Không nghi ngại sao được khi tổng mức đầu tư trong nội dung thuyết minh phương án đầu tư (tạm tính) của Handinco 52 chỉ có 173,242 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất phải nộp là 30 tỷ đồng và chi phí cho bồi thường, GPMB, tạm cư chỉ vỏn vẹn có 2 tỷ đồng (!?). Mặc dù trong buổi làm việc với PV Hànộimới ngày 26-10 ông Đào Việt Thanh, Phó Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho rằng, đây chưa phải là phương án chính thức, nhưng nếu mức tạm tính 2 tỷ đồng để chi cho hơn 20 hộ giáo viên là khó chấp nhận.
Khu tập thể giáo viên Trường Trung cấp nghề GTCC tại tổ 40 cụm 5, Xuân La, Tây Hồ. |
Ông Nguyễn Minh Đề, Hiệu phó Trường Trung cấp nghề GTCC. |
Tại buổi tiếp xúc với BGH nhà trường, ông Nguyễn Minh Đề - Hiệu phó Trường Trung cấp nghề GTCC cho rằng, các hộ giáo viên sẽ không bị "đẩy ra đường" vì hiện họ vẫn đang có chỗ ở ổn định; Khi thực hiện quyết định 2709 của thành phố (thu hồi đất, xây dựng chung cư) thì người dân sẽ được tái định cư trở lại và được đền bù theo quy định của thành phố; Khi di dời sẽ được chủ đầu tư hỗ trợ tiền di chuyển và thuê nhà tạm cư… Mặc dù luôn khẳng định là quyền lợi của giáo viên là chính đáng và nhà trường sẽ bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho giáo viên, nhưng khi được hỏi cụ thể là họ sẽ được mức đền bù ra sao khi bị thu hồi nhà đất, thì ông Nguyễn Minh Đề lại cho rằng, đất là của Nhà nước, việc đền bù, hỗ trợ phụ thuộc vào chủ đầu tư, còn nhà trường chỉ có vai trò phối hợp thực hiện. Cũng theo ông Nguyễn Minh Đề, trong số 22 hộ dân ở tổ 40 có 4 hộ mượn đất và 1 hộ mua bán trái phép sẽ không được hưởng chế độ cao như các hộ còn lại. Song để giải thích về chế độ cao như thế nào thì ông hiệu phó nhà trường không có câu trả lời cụ thể.
Hiện nay, hơn 20 hộ giáo viên tại tổ 40, cụm 5, Xuân La đang rất hoang mang, lo lắng khi bị thu hồi đất, bởi cho tới nay, quyền lợi của họ như thế nào vẫn chưa được ai chỉ rõ. Đồng cảm với họ, ông Trần Bá Viêm, Chủ tịch UBND phường Xuân La cho rằng, khi thành phố đã có quyết định thu hồi đất, xây dựng chung cư cao tầng thì việc trước mắt là nhà trường và chủ đầu tư cần ngồi bàn bạc với 22 hộ dân và tính toán tới quyền lợi của họ sao cho thỏa đáng. Phải có cơ chế đặc thù cho các hộ đã ăn ở ổn định lâu năm và đang phải gánh chịu những hậu quả của nhà trường gây nên, đồng thời phải có chính sách đền bù, GPMB rõ ràng để phường dễ quản lý, giữ ổn định cuộc sống sinh hoạt của người dân, cũng như trật tự an ninh trên địa bàn. Cũng theo ông Trần Bá Viêm, cho tới nay mới chỉ có chủ đầu tư dự án ra làm việc với UBND phường. Chính quyền phường đã yêu cầu chủ đầu tư phải phối hợp với lãnh đạo Trường Trung cấp nghề GTCC Hà Nội giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho các hộ giáo viên. "- Nhà trường không thể bàn giao dự án cho chủ đầu tư xong là phủi tay, hết trách nhiệm được, bởi hầu hết các hộ ở tổ 40, cụm 5 đều khó khăn. Nhiều gia đình đóng tiền cho nhà trường xong phải mãi sau này mới trả hết nợ, giờ không thể để họ trắng tay được…", - ông Trần Bá Viêm nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.