(HNMO)- Đó là chỉ ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt tại buổi họp kiểm điểm về công tác GPMB Dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy được tổ chức vào hôm nay (23-4).
Dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy được Bộ NN&PTNT phê duyệt tháng 11-2008, từ hạ lưu đập Đáy (Phúc Thọ) đến cầu Mai Lĩnh (Hà Đông) dài 25,6km với tổng mức đầu tư 349 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trong đó kinh phí GPMB 93 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Danh Vụ, Giám đốc Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp thủy lợi - Sở NN&PTNT Hà Nội (đơn vị được giao đại diện chủ đầu tư) cho biết, việc thi công dự án chậm tiến độ không phải do khó khăn về kinh phí mà mấu chốt vẫn là vướng mắc GPMB. Tính đến nay, các địa phương thực hiện GPMB giai đoạn I đã bàn giao mặt bằng gần 320.000/413.235m2 (đạt 77%), với kinh phí chi trả 127 tỷ đồng. Trong đó, các huyện: Phúc Thọ đã bàn giao 63.535m2 (đạt 67%); Hoài Đức 239.099,6m2 (đạt 79%); huyện Quốc Oai 16.858m2 (đạt 100%).
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, Dự án nạo vét, cải tạo dòng sông Đáy được thành phố và Bộ Nông nghiệp &PTNT rất quan tâm, bởi không chỉ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam và Nam Định, mà cải tạo dòng sông Đáy còn mang lại lợi ích lớn về môi trường sinh thái cho toàn lưu vực dòng sông Đáy. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thực hiện, dự án vẫn quanh quẩn ở vấn đề chậm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy (giai đoạn I) chậm không phải do thiếu kinh phí mà do GPMB |
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt, nguyên nhân một phần do các huyện chưa quan tâm sâu sát đến dự án này, nhất là những vướng mắc do xác định nguồn gốc đất ở xã Dương Liễu (Hoài Đức) và xã Liên Hiệp (Phúc Thọ). Trong thời gian tới, các huyện này cần tập trung đẩy mạnh GPMB để bàn giao quỹ đất sạch cho đơn vị thi công. Các huyện tăng cường tuyền truyền về ý nghĩa của dự án “làm sống lại dòng sông Đáy” để tạo sự đồng thuận và sự ủng hộ từ phía nhân dân. Muốn vậy lãnh đạo các huyện phải tâm huyết, sâu sát với công việc và cơ sở.
Để đẩy nhanh tiến độ, thông dòng sông Đáy vào cuối năm 2014, ông Việt đề nghị Ban QLDA nông nghiệp- thủy lợi cử cán bộ xuống hỗ trợ các huyện còn vướng mắc, khó khăn để tăng cường giải quyết công việc liên quan đến dự án. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của thành phố tích cực phối hợp, trao đổi thông tin và hỗ trợ các huyện giải quyết những khó khăn vướng mắc, để dự án “làm sống lại dòng sông Đáy” sớm được hoàn thành và đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sông dân sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.