(HNM) - Thành phố Hà Nội đã nhiều lần kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải điều chỉnh hành trình của hơn 400 tuyến xe khách cố định liên tỉnh không có điểm đầu, điểm cuối tại các bến xe trên địa bàn Thủ đô...
Nhiều hệ lụy
Thực tế, có thể dễ dàng bắt gặp xe khách tuyến cố định liên tỉnh không có điểm đầu, điểm cuối tại các bến xe của Hà Nội nhưng vẫn ngang nhiên chạy “rùa bò”; dừng - đỗ, đón - trả khách dọc tuyến đường Vành đai 3 (cả đường trên cao và dưới thấp). Vi phạm phổ biến nhất là trên đường Phạm Hùng đoạn đi qua trước cửa Bến xe Mỹ Đình, đoạn dưới chân cầu vượt Mai Dịch và khu vực cổng Công viên Hòa Bình...
Nhiều phương tiện dừng đón trả khách trên đường Vành đai 3 gây ùn tắc giao thông. Ảnh: Tuấn Lương |
“Từ sáng đến tối, thậm chí cả các khung giờ cao điểm, rất nhiều xe khách ngang nhiên chạy “rùa bò”, dừng - đỗ, đón - trả khách vô tội vạ khiến cho tuyến đường Vành đai 3 vốn đã quá tải càng ùn tắc nghiêm trọng. Cũng vì vẫy xe trên tuyến quá dễ, nên không ít hành khách ngại vào bến mua vé dù Bến xe Mỹ Đình chỉ cách đó một đoạn ngắn”, anh Nguyễn Văn Đức (Khu chung cư B3B - Nam Trung Yên - đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy) chia sẻ.
Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, có tới 410 tuyến xe vận tải hành khách liên tỉnh không có điểm đầu, điểm cuối tại Hà Nội, nhưng vẫn chạy xuyên tâm trên tuyến đường Vành đai 3. Không chỉ dừng, đón - trả khách gây ùn tắc giao thông, nhiều nhà xe còn mở cả văn phòng làm điểm trung chuyển gom khách, giao nhận hàng hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp vận tải đăng ký hoạt động ổn định tại các bến xe của thành phố. Trước bất cập này, từ năm 2017, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội và UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam điều chỉnh hành trình 410 tuyến xe này đi tránh sang các hướng khác. Khi được điều chỉnh, không chỉ Vành đai 3 mà cả các tuyến đường lân cận sẽ giảm đáng kể áp lực giao thông.
Thành phố rất mong muốn Bộ Giao thông - Vận tải sớm điều chỉnh, làm cơ sở tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, đến nay kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết.
Cần sớm loại bỏ bất cập
Đề cập vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) Trần Bảo Ngọc cho rằng, quan điểm của Bộ là cơ bản đồng thuận với đề xuất của thành phố Hà Nội nhằm giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này cũng ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp vận tải và việc đi lại của người dân. Các quy định hiện hành cho thấy, để việc điều chỉnh hành trình của 410 tuyến như đề xuất sớm được triển khai, đề nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội bổ sung văn bản thống nhất ý kiến đồng thuận của các sở Giao thông - Vận tải phía đầu đối lưu theo quy định (gồm 36 Sở Giao thông - Vận tải các địa phương liên quan).
Đường Phạm Hùng, đoạn đi qua trước cửa Bến xe Mỹ Đình thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Hoàng Hà |
Phản biện quan điểm phải xin ý kiến thống nhất của Sở Giao thông - Vận tải các đầu tuyến, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) khẳng định, các tuyến quá cảnh không có điểm đầu, điểm cuối tại Hà Nội thì thành phố không có nghĩa vụ phải đi xin ý kiến thống nhất. Có một bất cập là khi các địa phương đăng ký với Bộ Giao thông - Vận tải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tuyến vận tải thông qua Hà Nội đều không lấy ý kiến thành phố Hà Nội. Đây cũng là nội dung mà Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải sớm bổ sung quy định, các sở Giao thông - Vận tải khi đăng ký luồng tuyến vận tải qua Hà Nội thì cần lấy ý kiến của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho phù hợp với tổ chức giao thông của thành phố. Nhất là khi việc điều chỉnh luồng tuyến cấp thiết và phù hợp với yêu cầu tổ chức giao thông trên địa bàn, đặc biệt với tuyến đường Vành đai 3 đang thi công dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng và xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.
Trước câu hỏi phải chăng chính các doanh nghiệp kinh doanh vận tải muốn trì hoãn việc điều chỉnh? Ông Đào Việt Long nhấn mạnh, các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố; phải tuân thủ phương án hoạt động kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hiện Hà Nội đã bố trí các điểm dừng, đỗ đón trả khách phù hợp. Doanh nghiệp vận tải lợi dụng các tuyến đường đông dân cư để dừng - đỗ, đón - trả khách là vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hoạt động kinh doanh vận tải. Bộ Giao thông - Vận tải là cơ quan có thẩm quyền cao nhất quyết định việc điều chỉnh luồng tuyến. Căn cứ vào đó, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội và các tỉnh sẽ thực hiện việc sắp xếp, điều chỉnh hành trình cho phù hợp với tình hình thực tế. Việc Bộ Giao thông - Vận tải chậm giải quyết đề xuất như vậy đang gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý vận tải của thành phố.
Ông Thân Văn Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, việc điều chuyển luồng tuyến nhằm tránh nội đô sẽ tác động rất mạnh đến quyền lợi của doanh nghiệp. Vì vậy, dễ hiểu là hầu hết doanh nghiệp kinh doanh trên tuyến đều không mặn mà và đó là yếu tố gây cản trở việc điều chỉnh. Với số lượng tuyến và phương tiện lớn như vậy sẽ gây ra ùn tắc rất lớn, xuất hiện thêm nhiều “bến cóc”, xe “dù” hoạt động bất hợp pháp. "Đụng" đến vấn đề này, đành rằng có khó khăn nhưng cần có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết sớm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.