Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn 39 tỷ đồng cho một chiếc HCV bóng đá, đắt hay rẻ?

Theo Tuôi trẻ| 04/03/2016 21:31

25 năm, trung bình 1 năm “tiêu” 1 huấn luyện viên (HLV) cho thấy tính ổn định cho đội tuyển dường như không có.


Con số này cũng nói lên phần nào sức ép công việc và sự kỳ vọng quá lớn với vị trí này.

Thấy gì từ những con số thống kê sơ lượt 25 năm sử dụng HLV của VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam). Những con số khô khan nhưng biết nói này?

Vài số liệu thống kê 25 năm VFF sử dụng HLV đội tuyển Việt Nam - Đồ họa: V.Thái


Chỉ có 4 lượt HLV (trong đó HLV Alfred Riedl 2 lần), tức 15% lượt HLV cộng tác với VFF hơn 2 năm. Và đây cũng là 3 vị HLV tạo được thành tích ấn tượng với người hâm mộ: Karl-Heinz Weigang gây tiếng vang với lứa cầu thủ thế hệ vàng đầu tiên ra mắt tại Chiang Mai (Thái Lan) năm 1995, Alfred Riedl làm nức lòng giới chuyên môn và cả người mộ điệu với thành tích Tứ kết Cúp Châu Á năm 2007 và đặc biệt là Henrique Calisto làm ngất ngây cả nước với chiến quả Vô địch AFF Cup năm 2008.

85% HLV còn lại đều gắn bó đội tuyển ít hơn 2 năm, nghĩa là mới chỉ kịp hơi hiêu hiểu nền bóng đá thì phải chia tay, nhường chỗ cho người khác, triết lý khác thì làm sao có được tính kế thừa và ổn định ở đội tuyển.

13 lượt HLV chấm dứt sớm hợp đồng (với nhiều lý do khác nhau: từ chức, buộc từ chức hoặc theo nguyện vọng cá nhân…), chiếm 50% số lượt HLV “kết duyên” cùng VFF, cho thấy sức ép thành tích ở VFF là không hề… nhẹ.

26 lượt thay HLV, 13 lượt HLV dở dang hợp đồng là 2 con số cho thấy VFF luôn cần thành tích trước mắt hơn là quan tâm đến định hướng dài lâu cho cả nền bóng đá.

25 năm vẫn loay hoay ở “ao làng” so với láng giềng Thái Lan hiện tại đang ngày càng tiến bộ so với chính họ trước kia là bằng chứng hiển hiện.

Sau 15 năm, từ lúc SEA Games 21 (2001) chỉ dành cho đội U23 quốc gia đến nay, có đến 8 lần HLV đội tuyển quốc gia phải trong tình cảnh “một nách 2 con”. Phải quán xuyến thêm đội U23 thì thử hỏi có được mấy người làm tốt được cả 2 cương vị này. Ngay như HLV Herique Calisto, sau khi đưa Việt Nam vô địch AFF 2008, cũng không thể lặp lại thành tích vô địch khu vực (AFF hay SEA Games) lần nào nữa.

Chưa tính các khoản chi tiêu khác cho đội tuyển quốc gia, chỉ với số tiền lương tối thiểu đã chi hơn 1,8 triệu đô la (tức hơn 39 tỉ đồng và mới chỉ riêng với lương chứ chưa tính các khoản hỗ trợ tàu xe, nhà cửa khác) mà “những thành công trên đấu trường quốc tế” chỉ là 1 lần vô địch, 1 lần vào “nhóm bát cường” châu lục, tức VFF phải tốn hơn 500 ngàn đô la cho 2 thành tích cao nhất này. Một sự đầu tư khá tốn kém nhưng hiệu quả không tương xứng.

Qua báo chí, người hâm mộ đội tuyển không thấy được thông tin tài liệu rút tỉa kinh nghiệm nào qua những lần sử dụng HLV từ VFF. Ví dụ như HLV A đã làm gì được cho nền bóng đá, nền bóng đá học hỏi được gì từ người HLV này. Học được rồi nhưng áp dụng được đến đâu, đạt hiệu quả thế nào. Còn nếu không học được gì cả thì lý do khách quan, chủ quan là gì.

Lộ trình xây dựng đội tuyển chinh phục thành tích các cấp độ từ khu vực đến thế giới ra sao, căn cứ vào nền tảng nào. Nền tảng nào cần hoàn thiện, xây mới để phục vụ cho mục tiêu đề ra. Thái Lan có “tổng công trình sư” là danh thủ Kiatisuk. Còn Việt Nam có ai sau 12 năm (2004) kể từ khi chia tay với ông Rainer Willfeld?

25 năm, từ giới làm chuyên môn đến khán giả mộ điệu, mãi chạy theo ước mơ viễn vông về thành tích phải vô địch nhưng khâu cơ bản của bóng đá là thể lực thì đã được cải thiện đến đâu so với chính mình, so với khu vực và thế giới.

Đặc tính giống loài của người Việt có ưu nhược điểm gì cần cải thiện hay hạn chế để các HLV hoàn toàn an tâm về nền tảng thể lực cơ bản cần có cho một trận bóng đá thời nay, và chỉ cần tập trung vào huấn luyện thêm kỹ chiến thuật hoặc chỉ cần cải thiện đôi chút để phần thể lực tốt hơn.

Ai cũng chê HLV Miura chỉ biết chọn cầu thủ “lực sĩ” khiến lối đá cứ hùng hục như trâu xem rất chán. Ai cũng thích nhìn cầu thủ giàu kỹ thuật vào đội tuyển nhưng hỏi có mấy cầu thủ vừa giàu kỹ thuật vừa giàu thể lực như Messi. Messi có kỹ thuật giỏi là khỏi bàn rồi, nhưng thử hỏi Messi chỉ đủ sức đá 1 hiệp đấu thì Messi có thể là Messi như thế giới biết đến hôm nay không.

Đó là đang nói về cầu thủ đã có sẵn tài năng trời cho chứ không phải là những cầu thủ mà đôi khi vẫn còn “chưa sạch nước cản” về kỹ thuật cơ bản mà khán giả vẫn hay thấy trên sân cỏ V-League. Thể thao hiện đại bắt buộc phải có nền tảng thể lực tốt thì mới mong “làm nên cơm cháo”.

Ai cũng công nhận cái được của HLV Miura là xem đội bóng do ông huấn luyện thi đấu không thấy bị lép vế về thể lực với đối thủ như các lứa đội tuyển trước đây, thậm chí có lúc còn lấn lướt hơn đội bạn. Nhưng đó chỉ là ở đội tuyển, còn ở các câu lạc bộ, chân đế của một nền bóng đá, có bao nhiêu câu lạc bộ đảm bảo được nền thể lực như thế khi đương đầu với các đội bóng cùng cấp độ ở châu lục. Điều này, VFF đã định hướng đến đâu cho tất cả các đội bóng.

So sánh hơi khập khiễng, nhưng ai từng xem các trận bóng của futsal Việt Nam tại giải Futsal Châu Á 2016 (bóng đá trong nhà) vừa qua đều thấy rõ, đội Thái Lan có nền tảng thể lực tốt hơn Việt Nam thế nào.

Cùng có số trận đấu như nhau nhưng đội futsal Việt Nam gần như “hết pin” sau trận thắng lịch sử đương kim vô địch Nhật Bản. Còn đội Thái Lan vẫn “chạy phà phà” trong trận đấu cuối cùng với Việt Nam. Tỉ số 2 trận gặp Thái Lan đã nói lên tầm quan trọng của thể lực. Đều là thua nhưng thua 1-3 và thua 0-8 là 2 cái thua khác xa nhau. Một đằng là có vẻ còn ngang ngửa nhau, một đằng là xem như “chịu trận”.

25 năm qua, đã có thống kê nào cho thấy nền tảng thể lực của các đội Việt Nam được cải thiện ra sao hay không. Rồi cải thiện được so với thế giới thế nào hay mình tiến 1, người ta tiến 3. Nếu vậy thì mình lùi rồi. Mà đã thụt lùi thì định mức thành tích vẫn giữ như cũ hoặc cao hơn thì chả phải viễn vông là gì.

Còn nữa, hiện tại có ý kiến khẳng định để vô địch khu vực chỉ cần HLV nội là đủ. Cơ sở nào để đưa ra nhận định này? VFF có thể thuyết phục mọi người bằng số liệu thống kê khoa học nào không?

25 năm chỉ 1 lần vô địch giải đấu cấp khu vực (2008), 1 lần được xếp vào nhóm “bát cường” châu lục (8 đội mạnh nhất Châu Á) thì có nên xem “25 năm hình thành và phát triển, VFF đã đưa con tàu Bóng đá Việt Nam gặt hái được những thành công trên đấu trường quốc tế” hay không (trích “Vài nét về Liên đoàn Bóng đá Việt Nam” trên website VFF http://vff.org.vn/gioi-thieu-chung-407/vai-n%C3%A9t-ve-lien-doan-bong-da-viet-nam-9.html)

25 năm với 7 nhiệm kỳ, 11 lượt Chủ tịch, không ai ở VFF có đủ sự kiên nhẫn để “xóa bàn cờ làm lại” như đã nói.

Cảm giác như với VFF, mọi thứ vẫn cứ đang bắt đầu từ đầu. Không thấy được tính kế thừa xuyên suốt 25 năm, vẫn cứ mãi loay hoay chạy theo thành tích trước mắt cho phù hợp với mục tiêu nhiệm kỳ vì “có cái để ăn nói” thì mới mong trụ lại mà tiếp tục theo đuổi mục tiêu lâu dài, vì nhiệm kỳ khác sẽ có mục tiêu khác, không ai chịu “hy sinh đời bố củng cố đời con”.

Với ước vọng vô địch SEA Games, một "đỉnh núi" chưa HLV đội tuyển nào làm được, với một nền bóng đá vẫn còn quá nhiều việc phải làm, thì chỉ tiêu "vô địch SEA Games 29 (2017)" với tân HLV đội tuyển Nguyễn Hữu Thắng quả là thách thức khó nhằn.

Hy vọng HLV Nguyễn Hữu Thắng sau khi đọc được bài viết này sẽ tăng thêm “doping” nỗ lực để phá dớp 1 HLV/1 năm mà VFF đã “tạo” nên trong 25 năm qua. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 39 tỷ đồng cho một chiếc HCV bóng đá, đắt hay rẻ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.