(HNMO)- Con số hơn 34.000 tỷ đồng để thực hiện đổi mới chương tình, SGK phổ thông vừa được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đưa ra đã gây nhiều tranh cãi thắc mắc trong những ngày gần đây.
Trang thiết bị dạy học sẽ là khoản chi "tốn kém" nhất. Ảnh minh họa |
Cuối ngày 16-4, Bộ GD-ĐT đã công bố khái toán dự kiến về nguồn kinh phí này. Theo đó, sẽ có 5 mục việc, gồm:
Biên soạn chương trình, SGK, sách giáo viên (SGV) với nội dung triển khai chủ yếu gồm xây dựng chương trình tổng thể và chương trình các môn học của 12 lớp; biên soạn SGK, SGV từ lớp 1 đến lớp 12; tổ chức thẩm định chương trình và SGK… với tổng kinh phí hết 105 tỷ đồng
Tổ chức dạy thử nghiệm chương trình, SGK mới tại 600 trường, 340.000 HS dự kiến hết 910 tỷ đồng, chi cho các hoạt động: Tập huấn, bồi dưỡng dạy thử nghiệm cho giáo viên và cán bộ quản lý (khoảng 20.000 người); đánh giá, hoàn thiện SGK, SGV; cấp SGK thử nghiệm cho 340.000 HS và cấp SGV cho khoảng 20.000 giáo viên dạy học thử nghiệm.
Nội dung thứ ba là triển khai dạy học đại trà theo chương trình, SGK mới trên phạm vi cả nước với khoảng 30.000 trường, 15 triệu học sinh và tập huấn, bồi dưỡng dạy học đại trà theo chương trình và SGK mới cho giáo viên và cán bộ quản lý (khoảng 900.000 người). Hoạt động này dự kiến hết 8.150 tỷ đồng.
Nội dung “tốn kém” nhất là trang thiết bị dạy học với 20.100 tỷ đồng gồm bổ sung, thay thế khoảng 50% thiết bị dạy học tối thiểu đã có; trang bị mới thiết bị do chương trình, SGK mới yêu cầu.
Hoạt động cuối cùng là ứng dụng CNTT và xây dựng kênh truyền thông giáo dục, dự kiến tốn 5010 tỷ đồng nhằm xây dựng kênh truyền thông giáo dục phục vụ đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông gắn với xây dựng xã hội học tập; tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và thi.
Tổng khái toán kinh phí dự kiến của 5 đầu mục trên là 34.275 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.