Thế giới

Hơn 3,5 triệu người trên toàn cầu mất danh hiệu “triệu phú đô la”

Dương Thuỳ 16/08/2023 - 06:07

Hơn 3,5 triệu người đã mất danh hiệu “triệu phú đô la” vào năm 2022 trong lần sụt giảm tài sản toàn cầu đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Số người trưởng thành có tài sản hơn 1 triệu USD (790.000 bảng Anh) đã giảm từ 62,9 triệu vào cuối năm 2021 xuống còn 59,4 triệu người vào cuối năm 2022, theo báo cáo tài sản hằng năm của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (UBS), được công bố ngày 15-8. UBS cho biết, sự suy giảm này do lạm phát cao và sự sụp đổ của nhiều loại tiền tệ so với đồng USD.

Số lượng triệu phú ở Mỹ giảm 1,8 triệu, xuống còn 22,7 triệu, nhưng vẫn có nhiều triệu phú ở Mỹ hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ở Anh, số lượng triệu phú giảm 440.000 người, xuống còn 2,6 triệu phú, mức giảm lớn thứ ba sau Nhật Bản, giảm từ 3,2 triệu xuống 2,6 triệu. Australia có mức giảm lớn thứ tư, với 360.000 người không còn được coi là triệu phú, giảm tổng số xuống còn 1,8 triệu.

500 người giàu nhất thế giới đã mất tổng cộng 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2022, theo nghiên cứu riêng cho chỉ số tỷ phú của Bloomberg.

trieu-phu.jpg
Một trung tâm mua sắm cao cấp ở Hồng Kông, Trung Quốc.

Elon Musk, người giàu nhất thế giới và là người đồng sáng lập Tesla, đã mất 138 tỷ USD vào năm 2022, năm mà ông hoàn tất việc mua lại Twitter trị giá 44 tỷ USD.

Người đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg - từng là một trong 10 người giàu nhất thế giới, đã mất gần 81 tỷ USD giá trị tài sản ròng và ở mức 45 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Theo các nhà kinh tế học của UBS, những người siêu giàu, khá giả và nghèo đều có tổng tài sản giảm vào năm 2022, động thái ghi nhận “sự sụt giảm đầu tiên về tài sản ròng của các hộ gia đình trên toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008”.

UBS cũng nhận định sự suy giảm sẽ được cảm nhận rõ ràng hơn về mặt thực tế do lạm phát tăng vọt trên toàn thế giới. Tài chính của các hộ gia đình đã bị siết chặt do giá cả từ thực phẩm đến năng lượng tăng mạnh. Trong khi đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và tự động hóa  đang thúc đẩy và định hình lại các nền kinh tế.

Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng của UBS, cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một giai đoạn thay đổi kinh tế đáng kinh ngạc. Những thay đổi sâu rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đại diện cho biến động cơ cấu mạnh mẽ nhất trong 250 năm”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hơn 3,5 triệu người trên toàn cầu mất danh hiệu “triệu phú đô la”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.