Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn 3.200 tỷ đồng đầu tư tuyến xe buýt nhanh số 1

Hà Phạm| 09/09/2014 17:30

(HNMO) - Ngày 9-9, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TP Hồ Chí Minh (UCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo: “Dự án giao thông xanh TP Hồ Chí Minh - Ý tưởng và thiết kế cơ sở”.



Trong đó, tuyến số 1 (Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) chiều dài 23,5km là tuyến đầu tiên được chọn triển khai trong mạng lưới 6 tuyến xe buýt BRT, với tổng vốn đầu tư 3.248 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Theo ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban UCCI, để góp phần cải thiện ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, cùng với nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông đô thị như xây dựng các tuyến đường sắt metro, đường trên cao… , thành phố đang nghiên cứu, xây dựng hệ thống 6 tuyến xe buýt nhanh (BRT). Trong đó, tuyến số 1 (Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) chiều dài 23,5km là tuyến đầu tiên được chọn triển khai trong mạng lưới 6 tuyến xe buýt BRT.

Mục tiêu của tuyến xe buýt BRT số 1 là cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt nhanh; nâng cao năng lực giao thông, rút ngắn thời gian đi lại trên tuyến đường từ Tây sang Đông thành phố và ngược lại. Qua đó tổ chức lại không gian đô thị, tăng cường mảng xanh dọc tuyến, giảm lượng khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường. Dự án có điểm đầu là nút giao vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân), điểm cuối là ngã ba Cát Lái (quận 2), với tổng vốn đầu tư 3.248 tỷ đồng.

UCCI cũng thông tin, hiện dự án tuyến số 1 đã hoàn thành khâu nghiên cứu khả thi, đang chờ Ngân hàng Thế giới thẩm định. Để đến cuối năm năm 2018 hoàn thành và đưa vào sử dụng, sẽ còn phải giải quyết nhiều công việc trọng tâm như xử lý vấn đề môi trường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế chi tiết, thi công, quản lý vận hành...

Tại hội thảo, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, so với xe buýt hiện tại, xe buýt nhanh sẽ tăng sức chứa, tốc độ cao hơn, (đạt 30km/h). Dự tính năm 2018 khi đưa vào khai thác sẽ đạt 31.600 khách/ngày, còn năm 2020 sẽ đạt 86.250 khách/ngày. Điểm yếu của các tuyến xe buýt BRT là đòi hỏi trình độ quản lý, vận hành khai thác cao hơn so với xe buýt hiện hành, chi phí cũng cao hơn. Đây là loại hình vận tải đô thị mới, trong khi thành phố chưa có kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành và khai thác hệ thống. Khi vận hành, hệ thống BRT sẽ làm giảm diện tích đường cho xe cá nhân, do đó làm giảm vận tốc của phương tiện cá nhân. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu một cách cẩn trọng và chính xác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hơn 3.200 tỷ đồng đầu tư tuyến xe buýt nhanh số 1

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.