Diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông trang bị cho nông dân thêm kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận so với sản xuất truyền thống…
Ngày 15-6, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với huyện Phúc Thọ tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông cho hơn 200 hộ dân, nhằm giúp nông dân nâng cao kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu cho biết, trong những năm qua, nhiều mô hình khuyến khích phát triển nông nghiệp của huyện Phúc Thọ được hỗ trợ triển khai như: Sản xuất lúa chất lượng cao cơ giới hóa từ làm đất, máy cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái; chuỗi liên kết sản xuất dưa bao tử và ngô ngọt quy mô 41ha; chuỗi trứng vịt tại các xã: Phụng Thượng, Ngọc Tảo… Chăn nuôi được quy hoạch phát triển theo vùng tập trung xã khu dân cư, đến nay đã có 11 khu chăn nuôi với diện tích 210ha…
“Sản xuất nông nghiệp ở mức tăng trưởng khá nhưng vẫn chưa bền vững, trình độ lao động nông nghiệp còn thấp, các biện pháp thâm canh mang tính truyền thống là chính, chưa ứng dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Do đó, diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông trang bị cho nông dân thêm kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận so với sản xuất truyền thống…”, ông Lê Văn Thu nhấn mạnh.
Giải đáp thắc mắc của các hộ dân, tại diễn đàn, các nhà khoa học đã trả lời những vấn đề nông dân chưa hiểu rõ trong phòng, chống các loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giúp người dân có kiến thức quan trọng, cần thiết áp dụng vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết, Diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông được tổ chức thời gian qua giúp nông dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế được dịch bệnh phát sinh, ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế tăng 10-15% so với sản xuất theo phương pháp truyền thống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.