Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn 1 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII

Hương Ly - Ảnh: Quang Thái| 21/07/2022 13:32

(HNMO) - Sáng 21-7, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra tại Hội trường Diên Hồng (nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội) và kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 1 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương; các Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng đoàn các đoàn thể trung ương. 

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự tại điểm cầu Trung ương.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội dự Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố…

Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tạo động lực mới để phát triển đất nước

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" tại Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương nhằm quán triệt sâu rộng, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết quan trọng này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giới thiệu chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Thủ tướng cho biết, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, dành nhiều thời gian thảo luận một cách dân chủ và đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TƯ nói trên.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ các phần trong Nghị quyết 18: Các yếu tố nền tảng làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện thể chế về đất đai; tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; quan điểm, mục tiêu; nhiệm vụ, giải pháp; tổ chức thực hiện.

Về các yếu tố nền tảng làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện thể chế về đất đai, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trên cơ sở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chúng ta đã và đang phấn đấu xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa trên cơ sở các nền tảng: Nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại. Để xây dựng được các nền tảng này, chúng ta phải lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển…

Thủ tướng khẳng định, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả. Đồng thời, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Theo Thủ tướng Chính phủ, trong thực tiễn quá trình quản lý và sử dụng đất đai ở nước ta cùng với những yếu tố nền tảng nêu trên, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả đất đai, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.

Về quan điểm, mục tiêu về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 5 quan điểm. Trong đó nhấn mạnh, Nghị quyết khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về đất đai, đó là: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra.

Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững.

Theo đồng chí Phạm Minh Chính, căn cứ vào các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được đưa ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bám sát các quan điểm chỉ đạo như đã được trình bày ở trên, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã xác định 3 mục tiêu tổng quát và 6 mục tiêu cụ thể.

Thủ tướng giới thiệu chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Về mục tiêu tổng quát Thủ tướng nêu rõ 3 mục tiêu cụ thể.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, về nguồn lực đất đai: Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Thứ ba, về thị trường: Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn trong Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và quá trình tổ chức thực hiện.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn

Truyền đạt Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 16-6 về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 3 thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương trình bày chuyên đề: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nghị quyết 19 nêu ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Trong đó, đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020.

Về tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 19 xác định: Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới…

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn xác định 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Trong đó, đáng chú là nhóm nhiệm vụ giải pháp về nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ và cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Đây là điểm mới của Nghị quyết so với Nghị quyết 26 cũ, nhấn mạnh đến vai trò chủ thể của nông dân, được coi là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện Nghị quyết mới.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số của toàn cầu, Nghị quyết 19 đã đề ra các yêu cầu cao hơn trong việc nâng cao trình độ nhận thức và bảo đảm quyền làm chủ của nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức liên quan.

Theo đó, cần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn.

Nghị quyết cũng đặt mục tiêu bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa… nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Cũng theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Nghị quyết 19 còn chú trọng nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa; khắc phục tình trạng bỏ hoang, làm thoái hóa đất.

Cùng với tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu xử lý triệt để những tồn đọng về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, chấm dứt tình trạng các công ty nông, lâm nghiệp được giao đất, cho thuê đất nhưng không đầu tư, tổ chức sản xuất mà khoán trắng cho hộ gia đình, cá nhân.

Đặc biệt, Nghị quyết 19 cũng đặt vấn đề về khẩn trương hoàn thiện chính sách để mở rộng quy mô, đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp, qua đó giảm thiểu rủi ro cho nông dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hơn 1 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.