(HNM) - Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020) sau hơn 1 năm đi vào cuộc sống đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ: Người dân đã dần hình thành ý thức "Đã uống rượu, bia thì không lái xe". Để nâng cao những hiệu quả tích cực, thời gian tới, cần sớm giải quyết những bất cập nảy sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định 100...
Tác động rõ rệt vào ý thức
Chiều 20-2, anh Bùi Duy Cường (ở xã Đại Phùng, huyện Đan Phương) đi xe máy trên quốc lộ 32 đoạn qua thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) bị Đội Cảnh sát giao thông số 9, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) xử phạt vì lỗi vi phạm nồng độ cồn.
Trước đây vì lý do công việc, anh Nguyễn Đăng Chung (ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) thường điều khiển ô tô về nhà khi đã uống bia, rượu. Nhưng từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, anh Chung đã bỏ thói quen cũ. Sau mỗi cuộc vui có rượu, bia, anh đều gọi taxi hay nhờ bạn chở về nhà. “Mức phạt cao như hiện nay sẽ hạn chế được việc uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hạn chế rủi ro cho bản thân và xã hội”, anh Chung nói.
Là người trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường phố, Thiếu tá Tạ Xuân Hậu, Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, ý thức, trách nhiệm của người dân về việc không uống rượu, bia khi lái xe đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều người dân chủ động chuyển sang đi các phương tiện công cộng khi đã sử dụng rượu, bia.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, từ ngày 1-1-2020, Công an thành phố Hà Nội đã huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, qua 1 năm thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, đơn vị đã xử lý trên 430.000 trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông, phạt thành tiền trên 200 tỷ đồng, tạm giữ hơn 20.000 phương tiện, 120.000 bộ giấy tờ.
Cũng theo Đại tá Dương Đức Hải, cùng với kết quả xử phạt, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố đã có những dấu hiệu tích cực, giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương). Trong năm 2020, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tác hại của rượu, bia đã giảm sâu…
Sớm xóa bỏ bất cập
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, cũng đã bộc lộ một số bất cập cần được giải quyết, sớm xóa bỏ.
Theo Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), để hoàn thiện hơn nữa Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, cần khắc phục, bổ sung một số điểm còn hạn chế, gây khó khăn cho cán bộ làm công tác xử lý. Như tại Điểm e, Khoản 3, Điều 5 quy định xử phạt về hành vi “đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật”; tuy nhiên chưa có quy định rõ về việc đỗ, để xe ở hè phố như thế nào là trái, là không đúng quy định. Hay như tại Điểm b, Khoản 4, Điều 5 của Nghị định quy định xử phạt đối với hành vi “đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển…”. Thực tế, nhiều tuyến đường ở Hà Nội không cắm biển báo cấm mà chỉ cắm biển báo cấm ở các cửa ngõ vào nội thành. Nhiều biển cấm trên các tuyến phố cũng chỉ cấm theo giờ. Vậy ngoài giờ cấm, lái xe đi vào nội thành và để xe ở chỗ nào đó, đến giờ cấm lại lưu thông thì rất khó xử phạt do “không có biển báo hiệu nội dung cấm” ở đường đang đi…
Ông Nguyễn Gia Trung, Thanh tra Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết, để khắc phục những hạn chế của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi theo hướng bổ sung quy định xử phạt đối với chủ phương tiện và người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lỗi, hướng vào hành vi người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở góc độ chính quyền địa phương, theo ông Lê Hoàng Đức, Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, các cấp, ngành của thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Đại tá Dương Đức Hải cũng khẳng định, thời gian tới, cùng những chuyên đề công tác khác, các đơn vị chức năng của Công an thành phố Hà Nội tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông; tham mưu giải quyết những bất cập nảy sinh từ thực tế thi hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông ở cả ba tiêu chí...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.