(HNMO) - Ngày 28-4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cung cấp thông tin đến đại diện các cơ quan truyền thông về thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) những tháng đầu năm 2022.
Theo số liệu công bố, đến hết quý I-2022, cả nước có hơn 16,4 triệu người tham gia BHXH, đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi; hơn 13,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 26,57% lực lượng lao động trong độ tuổi. So với cùng kỳ năm 2021, số người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tăng lần lượt 2,27% và 2,05%. Chính sách BHYT thu hút hơn 85,3 triệu người tham gia, đạt 87,44% dân số.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, trong quý I-2022, toàn ngành giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ cho hơn 2 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021; hơn 308.000 lượt người hưởng chế độ thai sản; gần 199.000 lượt người hưởng mới các chế độ bảo hiểm thất nghiệp…
Trả lời câu hỏi của đại diện các cơ quan truyền thông về việc chi trả chế độ ốm đau đối với người lao động mắc Covid-19, BHXH Việt Nam cho hay, quý I-2022, toàn ngành đã giải quyết cho 648.012 lượt người với số tiền hơn 987 tỷ đồng, bằng gần 50% tổng số tiền chi trả đối với chế độ ốm đau. So với cùng kỳ năm trước, số lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau tăng 124%, số tiền chi trả tăng gần 300%. Mức hưởng bình quân cho một người bị ốm đau do mắc Covid-19 là hơn 1,5 triệu đồng, thời gian hưởng bình quân là 8,5 ngày.
Thông tin rõ hơn về nội dung này, bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho hay, trong tháng 4, số người được hưởng chế độ ốm đau do mắc Covid-19 tăng nhanh. Ước đến ngày 28-4, cả nước có 1,45 triệu lượt người được thụ hưởng với số tiền hơn 1.900 tỷ đồng.
Hiện nay, BHXH Việt Nam đang tiếp nhận các hồ sơ để giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người mắc Covid-19 theo quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
Về chính sách BHYT, những tháng đầu năm nay, tỷ trọng người bệnh nội trú tại tuyến tỉnh có xu hướng tăng, còn số lượt người khám, chữa bệnh BHYT có xu hướng giảm do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, khiến một số người có tâm lý e ngại đi khám. Việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp để khám, chữa bệnh BHYT đã được hơn 4.000 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai, mang lại lợi ích cho nhiều phía…
Thông tin rõ hơn về vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là hưởng BHXH một lần, đại diện BHXH Việt Nam cho hay, trong 3 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng giải quyết cho 200.000 người hưởng, tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ sự vào cuộc tuyên truyền tích cực, giúp người lao động hiểu rõ việc rút BHXH một lần gây bất lợi về lâu dài, nên số người đề nghị hưởng trong tháng 4 có xu hướng giảm, ước giảm 10% so với những tháng trước.
Để khắc phục tình trạng nợ đóng BHXH, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã chủ trì, phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 24.104 đơn vị, qua đó phát hiện hơn 77.000 trường hợp sai phạm. Sau thanh tra, kiểm tra, các đơn vị khắc phục ngay số tiền đóng là 1.523 tỷ đồng, yêu cầu thu hồi về Quỹ BHXH gần 14,8 tỷ đồng, về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 3,3 tỷ đồng, về Quỹ BHYT 142,2 tỷ đồng…
Ngoài việc thực thi các chế độ, chính sách, BHXH Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng góp ý xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) để các chính sách ngày càng hoàn thiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.