Theo dõi Báo Hànộimới trên

Homestay thời “stay home”

Cao Cường| 16/04/2020 06:00

(HNNN) - Từ cuối tháng 3, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhóm kinh doanh homestay đã chứng kiến những cuộc tháo chạy khỏi thị trường. Trong bối cảnh việc cách ly xã hội, thậm chí phong tỏa diễn ra trên toàn cầu, mọi người ở nhà (stay home), hạn chế đi lại nhằm tránh lây lan dịch bệnh, nhiều người kinh doanh homestay - nghề mới nổi trong 2 năm qua - ngoài thực hiện nghiêm chủ trương chống dịch cũng đang xây dựng kế hoạch vượt khó cho riêng mình.

Hầu hết các homestay ở Hà Nội đều rơi vào tình trạng vắng khách (ảnh có tính minh họa).

Thị trường biến động

Theo báo cáo của AirDNA - nhà cung cấp dữ liệu và phân tích cho thuê kỳ nghỉ ngắn hạn hàng đầu thế giới, trong năm 2019, Hà Nội có 14.429 căn homestay hoạt động, trong đó, căn hộ dạng một phòng ngủ có nhà bếp và nhà vệ sinh khép kín chiếm tỷ lệ lớn nhất - 35%. Tốc độ tăng trưởng của toàn bộ thị trường là 14% mỗi quý cho thấy sự phát triển của thị trường homestay Hà Nội. Tỷ lệ lấp đầy phòng trung bình tại thị trường homestay Hà Nội là 50%, nhưng vào giai đoạn cao điểm tháng 12, tỷ lệ này có thể lên đến 61%, còn khi thấp điểm - tháng 8, là 32%. Doanh thu trung bình mỗi tháng của một homestay là 414 USD.

Với người khéo tính toán, ngoài công việc chính, họ có thể thuê một vài căn hộ, thuê thiết kế, trang trí rồi cho khách nước ngoài thuê ngắn hạn với giá khoảng 10 triệu đồng/căn/tháng (chưa kể các dịch vụ gia tăng khác). Trừ chi phí, người kinh doanh có khả năng thu lãi ròng 4 triệu đồng/căn. Đó là lý do thị trường homestay ngày càng phát triển, nhất là khi năm 2019, Hà Nội đã được xếp hạng 15 trong tốp 25 điểm đến hàng đầu do du khách bình chọn trên trang TripAdvisor. Hãng thông tấn CNN bình chọn Hà Nội là một trong những điểm du lịch tốt nhất châu Á năm 2019. Tất cả đều diễn ra suôn sẻ, đầy triển vọng khi lượng khách quốc tế đến Hà Nội tiếp tục tăng trong năm 2019.

Thế nhưng, từ cuối tháng 12-2019, tình hình có dấu hiệu xấu đi khi dịch Covid-19 xuất hiện. Dịch vụ homestay có biến động dữ dội khi các thị trường khách quan trọng nhất của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Hơn một nửa số khách hàng thường xuyên của thị trường homestay đến từ ba thị trường này và họ không còn tới Việt Nam nữa. Các chủ kinh doanh homestay vừa đón Tết cổ truyền vừa thấp thỏm ngóng chờ tin tức về dịch Covid-19...

Ưu tiên chống dịch, nỗ lực vượt khó

“Ngành Du lịch đang chịu nhiều thiệt hại và nhiều người trong số các bạn đang phải đối mặt với các yêu cầu hủy phòng ngày càng gia tăng”. Nội dung email của Airbnb (một công ty về thị trường cộng đồng đặt và cho thuê phòng, căn hộ) gửi cho một chủ nhà siêu cấp (chủ nhà được khách đánh giá cao trên hệ thống). Ngọc Anh, một chủ homestay nhận thư và đọc ngấu nghiến. Cô mới bước vào kinh doanh lĩnh vực này được 1 năm. Bốn căn nhà mà Ngọc Anh đã đầu tư khiến cô phải vay gần 1 tỷ đồng. Nếu không có dịch bệnh, hệ thống này sẽ thu hồi vốn từ tháng thứ 15, nhưng nay mới hoạt động được 9 tháng và những khó khăn phía trước là rất lớn.

David Nguyễn, một chủ homestay kinh doanh ở địa bàn 3 quận Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm cũng nhận được thông điệp từ các hệ thống đặt phòng lớn nhất thế giới cảnh báo về khả năng sụt giảm lượng khách châu Á. Dẫu sao thì hệ thống của anh vẫn còn những căn hộ được đặt và trả tiền trước trong tháng 2 và tháng 3. Một chút lo lắng ập đến nhưng anh tin là dịch bệnh sẽ chỉ nằm lại Trung Quốc khi nước này công bố những thông tin khả quan hơn về việc kiểm soát dịch bệnh. Hơn nữa, lúc này, hàng loạt khách du lịch châu Âu vẫn nối nhau nhập cảnh qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Thế nhưng, bất ngờ luôn đến theo những cách mà không ai có thể nghĩ ra. Lần lượt Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ, Đức... đều bị dịch Covid-19 tàn phá nặng nề. Toàn bộ dòng khách châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi Chính phủ Việt Nam tuyên bố dừng mọi chuyến bay phổ thông từ châu Âu và Mỹ tới Việt Nam thì thị trường homestay rơi vào tuyệt vọng.

Ngày 18-3, các nhà sáng lập của Airbnb cùng ký vào một bức thư kèm theo quyết định đầy khó khăn về việc áp dụng chính sách toàn cầu cho phép tất cả các khách được phép hủy đặt phòng và vẫn được hoàn lại tiền đầy đủ. Điều này khiến cho toàn bộ thị trường homestay rơi vào trạng thái đóng băng. Người chủ nhà không còn được bảo đảm bằng việc đặt cọc tiền trước nữa. Trước đó chỉ 2 ngày, Chủ tịch của Airbnb Greg Greeley gửi một bức thư tới tất cả các chủ nhà trên toàn thế giới, nói rằng họ sẽ trả toàn bộ tiền phí hủy đặt phòng nếu có bất kỳ khách hàng nào hủy đặt phòng do dịch Covid-19.

Trong bối cảnh khó khăn toàn cầu, Tổng Giám đốc điều hành của Airbnb Brian Chesky đã công bố một số bước đi quan trọng để hỗ trợ các chủ nhà nhiều hơn. Trước hết, họ đã thành lập Quỹ cứu trợ cho chủ nhà siêu cấp trị giá 10 triệu USD để tạo nên các khoản tài trợ không ràng buộc dành cho các chủ nhà siêu cấp đang cần số tiền này nhất. Ngoài ra Airbnb cũng dành ra 250 triệu USD để hỗ trợ các chủ nhà bị ảnh hưởng bởi các yêu cầu hủy phòng.

Hàng nghìn người kinh doanh homestay ở Hà Nội cũng đang ở trong tình thế khó khăn nhưng không biết mình có nằm trong danh sách được trợ cấp này hay không? Tuy nhiên, vốn là những người năng động, họ đã không chờ đợi, lập tức tổ chức một cuộc khảo sát các thành viên của nhóm Những chủ nhà Airbnb Hà Nội, đặt câu hỏi: Các chủ nhà nên làm gì khi dịch bệnh hoành hành?

Câu trả lời rất rõ ràng, là đề nghị giảm giá thuê bất động sản. Phần lớn những người làm homestay ở Hà Nội tin rằng việc thương lượng với chủ cho thuê nhà để giảm bớt chi phí thuê bất động sản phải là giải pháp đầu tiên. Liên Lê, một người làm dịch vụ chia sẻ phòng trên hệ thống Airbnb ở Hà Nội chia sẻ với những chủ homestay khác: Các bạn cứ mạnh dạn đề xuất giảm giá với chủ nhà”.

Ngoài thương lượng giảm giá thuê nhà, nhiều người cho rằng nên mở rộng đối tượng khách hàng, trong đó hướng vào việc khai thác khách hàng nội địa. Tuy nhiên, kể cả khi thực hiện giải pháp này, tình hình vẫn rất khó khăn, do Chính phủ và các thành phố bắt đầu thực hiện giải pháp cách ly xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Chị Cẩm My, chủ một hệ thống homestay khẳng định mình lựa chọn cách chủ động đóng cửa hệ thống để tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Trên thực tế, hệ thống homestay của chị đã ngừng hoạt động được hơn 1 tháng. “Tôi lựa chọn việc đóng cửa hệ thống trong thời gian chống dịch, như thế còn hơn là phải đáp ứng những yêu cầu rất ngặt nghèo nếu muốn đón khách”, chị My chia sẻ.

Một cuộc khảo sát nhanh của phóng viên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho thấy, gần như tất cả các homestay trên địa bàn này đã đóng cửa. Thậm chí nhiều khách sạn đủ điều kiện đón khách cũng đã chủ động cho nhân viên nghỉ việc và ngừng nhận khách trong những ngày cao điểm chống dịch.

Một số chủ homestay khác bắt đầu thực hiện chiến thuật chuyển căn hộ cho thuê ngắn hạn thành cho thuê dài hạn - đồng nghĩa với việc chấp nhận giảm lợi nhuận. Thế nhưng cho dù đã chuyển hướng khai thác khách hàng thuê dài hạn, Nam Ngô, một chủ homestay có hơn 200 căn hộ cho thuê ở Hà Nội cho biết, đến thời điểm này chỉ chưa tới 10% trong số 200 căn hộ của anh có người thuê dài hạn. Theo tính toán của Nam Ngô, hết tháng 4 này, nếu tình hình tiếp tục ảm đạm anh sẽ trả gần một nửa số căn hộ để cắt lỗ. Đó cũng là giải pháp mà chủ một chuỗi homestay khác có tên là David Nguyễn vừa thực hiện khi đã đàm phán để trả lại một nửa căn hộ thuê để kinh doanh homestay. 

Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, căng thẳng. Lệnh phong tỏa, cách ly vẫn được duy trì ở nhiều nơi trên toàn thế giới. Nhưng với những người năng động như những chủ homestay nói trên, tin rằng họ sẽ tìm được cánh cửa “biến nguy thành cơ” của riêng mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Homestay thời “stay home”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.