Giáo dục

Hôm nay (5-9), gần 2,3 triệu học sinh Hà Nội bước vào năm học 2024-2025:Tâm thế mới, kỳ vọng mới

Thống Nhất 05/09/2024 06:29

Hôm nay, ngày 5-9, cùng với học sinh cả nước, gần 2,3 triệu học sinh Hà Nội đón lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học 2024-2025, năm đầu tiên tất cả học sinh các khối (từ lớp 1 đến lớp 12) thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng là năm đầu tiên các kỳ thi của học sinh lớp 9, lớp 12 chính thức có những thay đổi theo chương trình mới.

Nhận diện khó khăn và chủ động có giải pháp gỡ vướng ngay từ những ngày đầu năm học để hoàn thành tốt nhiệm vụ là quyết tâm của toàn ngành Giáo dục Thủ đô.

khai-giang.jpg
Tổng duyệt lễ khai giảng năm học mới 2024 -2025 tại Trường Trung học cơ sở Tiền Phong (huyện Mê Linh).

Sẵn sàng các điều kiện dạy và học

Ngay sau kỳ nghỉ lễ, ngày 4-9, các trường học đã tập trung học sinh, phân công nhiệm vụ và triển khai một số hoạt động chuẩn bị tổ chức lễ khai giảng diễn ra vào hôm nay (5-9) gọn nhẹ và trang trọng, với tổng thời gian không quá 60 phút. Nhiều thầy, cô giáo đã đến trường từ sáng sớm để vệ sinh trường lớp, kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị..., sẵn sàng các điều kiện để đón học sinh vào năm học mới.

Trước đó, thực hiện khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 do UBND thành phố ban hành, các trường cũng đã thực hiện nghiêm quy định đón học sinh tựu trường trước ngày khai giảng 1 tuần; riêng với học sinh lớp 1 tựu trường sớm trước 2 tuần. Việc chuẩn bị tâm thế cho học sinh, nhất là với học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10) được các trường coi trọng thông qua nhiều hoạt động, giúp các em làm quen với môi trường mới, nếp học mới, bạn bè mới và cả cách thức học tập có nhiều điểm mới.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) Phương Thị Thìn, việc được tựu trường sớm trước khai giảng 2 tuần giúp học sinh lớp 1 bớt đi nhiều bỡ ngỡ, rụt rè. Tận dụng tối đa khoảng thời gian này, nhà trường tập trung hướng dẫn học sinh làm quen với nếp học một ngày ở trường; rèn học sinh thói quen đi học đúng giờ; giúp các em biết cách chuẩn bị đồ dùng học tập hằng ngày. Nhà trường cũng hướng dẫn học sinh ghi nhớ địa chỉ nhà, số điện thoại của người thân và nhắc nhở các em không đi theo người lạ, tránh bị bắt nạt hoặc đi lạc. Việc này giúp các em biết cách tự ứng phó trong trường hợp bố, mẹ đón muộn hoặc khi tự di chuyển từ trường về nhà.

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 5, 9 và 12 học sách giáo khoa mới biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, 100% giáo viên dạy lớp 5, lớp 9 và lớp 12 của Hà Nội đã được tập huấn sử dụng sách mới theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) Vũ Đình Hà, đây cũng là năm đầu tiên các nhà trường thực hiện quyền lựa chọn sách giáo khoa (trước đó việc lựa chọn sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh thành lập hội đồng quyết định). Nhà trường đã tổ chức lựa chọn sách đúng quy định với tinh thần nghiêm túc, minh bạch, nêu cao ý thức trách nhiệm của giáo viên - đội ngũ trực tiếp “vận hành” sách mới.

Chủ động gỡ khó việc thiếu giáo viên

nam-hoc.jpg
Kiểm tra trang thiết bị chuẩn bị cho năm học mới tại Trường Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình). Ảnh: Nguyễn Quang

Cũng như nhiều địa phương, Hà Nội đang đối diện với khó khăn về việc thiếu giáo viên, nhất là ở các môn học mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như tiếng Anh, tin học (cấp tiểu học), lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên (cấp trung học cơ sở); âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm (cấp trung học phổ thông). Toàn thành phố có gần 133.000 cán bộ, giáo viên, so với định mức quy định thì còn thiếu khoảng 16.000 giáo viên.

Đón năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo và các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai kế hoạch tuyển dụng hơn 2.600 chỉ tiêu giáo viên được bổ sung theo Quyết định số 2362-QĐ/BTCTƯ của Ban Tổ chức Trung ương về biên chế của thành phố Hà Nội năm 2024. Các đơn vị đang triển khai lộ trình tuyển dụng với cùng quyết tâm hoàn thành trong học kỳ 1.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh cho biết, năm học 2024-2025, quy mô giáo dục của quận có gần 106.000 học sinh, tăng hơn 2.700 em so với năm học trước và gần 7.200 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Quận đang khẩn trương triển khai tuyển dụng gần 500 chỉ tiêu, trong đó có một nửa là chỉ tiêu giáo viên cấp trung học cơ sở, còn lại là tiểu học và mầm non.

Thời điểm này, quận Hà Đông cũng đang triển khai kế hoạch tuyển dụng hơn 400 giáo viên vào tháng 10 tới. Các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Gia Lâm, Mê Linh… cũng đang khẩn trương tuyển dụng bổ sung. Trong khi chờ lực lượng mới trúng tuyển chính thức nhận nhiệm vụ, các nhà trường đã thực hiện việc ký hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết của HĐND thành phố về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục, bảo đảm tổ chức dạy học đúng kế hoạch sau ngày khai giảng.

Chủ động ứng phó với việc thiếu giáo viên, ngành Giáo dục quận Thanh Xuân đã triển khai nhân rộng mô hình “ngân hàng giáo viên”. Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Lê Thị Thu Hằng cho hay, “ngân hàng giáo viên” gồm những giáo viên giỏi chuyên môn, vững kỹ năng và có tinh thần trách nhiệm cao. Trong bối cảnh các trường còn khó khăn do thiếu giáo viên, đội ngũ này được “dùng chung”, sẵn sàng nhận nhiệm vụ theo sự phân công của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam, cách thức này đang được nhân rộng. Việc này không chỉ giải quyết khó khăn trước mắt về việc thiếu giáo viên, mà còn góp phần tăng cường trách nhiệm từng giáo viên, tạo sự gắn kết giữa các nhà trường theo tinh thần của phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” đang được triển khai toàn ngành với quyết tâm cùng thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.

the-cuong.jpg

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương:

Rà soát số lượng giáo viên để đề xuất giao bổ sung biên chế

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Sở tập trung tổ chức tuyển dụng số biên chế giáo viên được giao bảo đảm số lượng và chất lượng; đồng thời tiếp tục rà soát số lượng, chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có để báo cáo, đề xuất cấp trên giao bổ sung. Sở cũng sẽ xây dựng quy hoạch và chính sách tuyển dụng giáo viên phù hợp với tình hình thực tế, thu hút nhiều người giỏi; phối hợp với các trường sư phạm có kế hoạch linh hoạt về đào tạo, đào tạo lại và tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Sở cũng sẽ triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên đến từng nhà trường, từng giáo viên; quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán các bộ môn và giáo viên chủ nhiệm lớp.

Đồng thời, chú trọng việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên, góp phần thực hiện tốt mục tiêu đào tạo học sinh thành những “công dân toàn cầu”.

ph-hoa.jpg

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy Nguyễn Phương Hoa:

Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai

Gần 2.000 học sinh của trường đã sẵn sàng bước vào năm học mới tự tin và quyết tâm cao. Căn cứ kế hoạch 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Quyết định số 2236/QĐ-BGDĐT, nhà trường đã xây dựng các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể. Một trong những mục tiêu quan trọng, cũng là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của trường là nâng cao năng lực tiếng Anh cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, đồng thời thực hiện các giải pháp để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Trường sẽ tăng cường thông tin, trao đổi và tích cực phối hợp với cha mẹ học sinh để thực hiện có chất lượng việc dạy học tiếng Anh theo chương trình chính khóa cho học sinh từ lớp 3 theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời tăng cường cho học sinh lớp 1 và lớp 2 làm quen với tiếng Anh bằng nhiều hình thức. Trường sẽ tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh để thực hiện có chất lượng việc dạy học tiếng Anh theo chương trình chính khóa.

thu-ha.jpg

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nam Phương Tiến B Phạm Thị Thu Hà:

Xây dựng ngân hàng câu hỏi

Thực hiện chủ đề năm học “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Đây là năm học đầu tiên học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông theo chương trình mới. Trường phân công giáo viên vững chuyên môn, kỹ năng và có tinh thần trách nhiệm cao đảm nhận dạy khối lớp 9.

Trường đặt mục tiêu có 100% học sinh lớp 9 trúng tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập năm học 2025-2026. Để đạt mục tiêu này, trường khích lệ, tạo điều kiện để các giáo viên tăng cường trao đổi về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ với đồng nghiệp trong trường, trong huyện. Căn cứ vào cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 theo chương trình mới, trường cũng sẽ chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá và tổ chức cho học sinh tập dượt, làm quen.

Minh Khang ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hôm nay (5-9), gần 2,3 triệu học sinh Hà Nội bước vào năm học 2024-2025: Tâm thế mới, kỳ vọng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.