(HNMCT) - Viết về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bên cạnh các nhà văn còn có nhiều cây bút không chuyên, đặc biệt là tác giả - “người trong cuộc”. Chính những trang viết giản dị của "người thật" về "việc thật" đã làm nên sức hút cho tác phẩm. Tác giả Phạm Thắng và cuốn hồi ký “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” là một minh chứng.
Câu chuyện của “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” được bắt đầu từ đêm “mở đường” của 5 đội viên nhỏ tuổi. Họ bí mật trở về Hà Nội bị tạm chiếm với nhiệm vụ trước là tìm đường để dẫn cán bộ đi về hoạt động, sau là “nắm nhân dân, dựng cơ sở, chuẩn bị cho ngày về giải phóng mai sau”. Những cậu bé ở độ tuổi vẫn còn sợ ma và bóng tối đến nỗi “quấn ra đài” nhưng không ngại khó, ngại khổ, trở về thành phố bắt đầu nhiệm vụ. Ban ngày làm đủ việc "gồng thuê gánh mướn", lao công, bồi bàn, bắt cá mò tôm, bán báo, đánh giầy để vừa tự kiếm sống vừa lượm tin tức tình báo, tối đến sẵn sàng ngủ ở gầm cầu, ghế đá, vỉa hè, “mỗi người một cái bao tải chui vào là xong”. Từ tổ mở đường gồm 5 đội viên ấy dần hình thành nên một trận tuyến tình báo thầm lặng trong lòng Thủ đô.
Hơn hai chục đội viên Bát Sắt sau đó lần lượt được “tung” vào nội thành hoạt động. Chỉ trải qua một lớp huấn luyện đơn giản, nhưng với tinh thần yêu nước và quyết tâm đánh đuổi giặc thù, các đội viên nhỏ tuổi đã mưu trí, dũng cảm vượt qua nhiều nguy hiểm để đưa thư tín; gây dựng cơ sở bí mật; điều tra tình hình địch; tổ chức việc đưa đón cán bộ ra vào nội thành; tham gia tiễu trừ Việt gian, phản động; cắm cờ Tổ quốc lên đỉnh tháp Rùa dù quanh Hồ Gươm ngày đêm có lính gác luân phiên đi tuần... “Ổ Việt Minh trẻ con” ấy đã góp phần làm nên nhiều chiến công khiến giặc Pháp và bè lũ tay sai bán nước lo sợ.
Được kể lại từ chính người trong cuộc - tác giả Phạm Thắng nguyên là đội viên Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt, câu chuyện về đội thiếu niên tình báo đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Nhân vật Thân bột trong tác phẩm chính là sự “hóa thân” của tác giả Phạm Thắng. Ban đầu, đây chỉ là một hồi ức mà tác giả Phạm Thắng gửi đến cuộc thi "Viết về những kỷ niệm sâu sắc thời kỳ chống Pháp" do Sở Văn hóa Hà Nội tổ chức, sau đó, NXB Kim Đồng đã đề nghị tác giả chuyển thể thành tác phẩm văn học. Năm 1976, ngay khi vừa ra mắt, cuốn sách “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” đã gây tiếng vang với lượng phát hành lớn, từ đó đến nay được tái bản nhiều lần.
Tuy nhiên, bởi vốn không phải là một nhà văn, cho nên đến lần tái bản mới đây nhất, năm 2021 - nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, cuốn sách “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” vẫn tiếp tục được hiệu đính và bổ sung tư liệu lịch sử của Đội, song điều đó không làm giảm sức hút của cuốn sách với độc giả. “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” cùng với hai cuốn sách “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng” và “Đội thiếu niên du kích Thành Huế” đã trở thành bộ ba tác phẩm về các thiếu niên du kích được nhiều thế hệ độc giả Việt Nam yêu thích.
Năm 2014, ở tuổi 80, nhà văn Phạm Thắng lại một lần nữa kể lại ký ức của mình về tuổi thơ Hà Nội trước và sau Cách mạng Tháng Tám trong cuốn sách “Tháng ngày thương nhớ”. Cậu bé “vô tích sự” nghịch ngợm và hồn nhiên ở ngõ Đông Xuyên - phố Huế ngày nào đứng trước cảnh đất nước bị xâm chiếm, nhân dân bị đói khổ, đã trở thành "chiến sĩ nhỏ" của đội thiếu niên tình báo hoạt động trong lòng Hà Nội suốt những năm kháng chiến. Hồi ức giản dị và chân thành của nhà văn Phạm Thắng đã để lại ấn tượng sâu sắc, khiến nhiều độc giả gập sách lại rồi mà còn tiếc nuối “ước gì cuốn sách này dày hơn”. Ngoài 2 cuốn sách nổi tiếng này, nhà văn Phạm Thắng còn có một số tác phẩm khác như “Chỉ tại con mèo”, “Tâm sự chiếc chìa khóa đồng”, “Sứ thần liên lạc”, “Theo bước cha anh”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.