Cuộc cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được Đảng và Nhà nước triển khai có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử sâu sắc.
Đây chính là bước đi tiếp nối công cuộc đổi mới toàn diện đất nước mà Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI (năm 1986); thể hiện quyết tâm chính trị cao của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương nhằm đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ và bền vững hơn.
1. Từ năm 1986 đến nay, hành trình đổi mới toàn diện đất nước đã kéo dài gần 40 năm. Lộ trình ấy, dù nhiều chông gai và thử thách, nhưng chúng ta có thể tự hào rằng, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay.
Những thay đổi ngoạn mục về cơ đồ và tiềm lực quốc gia khởi nguồn từ công cuộc đổi mới năm 1986, với trọng tâm là chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi ấy, chúng ta bắt đầu cuộc cách mạng về giải phóng sức lao động và năng lực sản xuất; còn hiện nay là cuộc cải cách thể chế và sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính - vốn cồng kềnh, nhiều tầng nấc và đầu mối.
Có thể xem cải cách tổ chức bộ máy nhà nước và sắp xếp đơn vị hành chính lần này là một cuộc “đổi mới lần hai” của đất nước. Lần đầu tiên, chính quyền địa phương vận hành theo mô hình 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), xóa bỏ cấp trung gian là huyện. Đặc biệt, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã được ví như một cuộc “sắp xếp lại giang sơn”, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và cả nước.
Cùng với đó, “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là thể chế và pháp luật cũng được tháo gỡ đồng bộ. Hàng loạt luật nền tảng được sửa đổi, bổ sung như: Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức… Hệ thống các văn bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành đã tháo gỡ nhiều vướng mắc tồn đọng, nổi bật là 28 nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương.
Đặc biệt, bốn “trụ cột” phát triển đất nước trong giai đoạn mới đã được xác lập qua các nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 57-NQ/TƯ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TƯ về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TƯ về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong bối cảnh chuyển động nhanh, sâu rộng của thời đại.
2. Hành trình đổi mới hôm nay đã hội tụ tư duy chiến lược, tinh thần cải cách và khát vọng phát triển mạnh mẽ của dân tộc. Chính quyền địa phương 2 cấp hiện nay được tổ chức theo hướng phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Tư duy cải cách này tạo thành một chỉnh thể thống nhất, chặt chẽ, mang tính biện chứng cao: Tinh gọn bộ máy đồng thời tháo gỡ vướng mắc thể chế, ban hành cơ chế chính sách mới để tạo ra động lực và nguồn lực phát triển bền vững.
Mô hình chính quyền mới cùng với các cơ chế, chính sách đột phá mở ra cơ hội lớn cho các cấp ủy, chính quyền đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị địa phương và phục vụ nhân dân hiệu quả hơn.
Yêu cầu đặt ra là bộ máy hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm để vận hành một nền hành chính hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân. Cần nhìn nhận rằng, bất kỳ cuộc cách mạng hay công cuộc đổi mới nào cũng đi kèm sự thay đổi, thậm chí là hy sinh. Việc tinh gọn tổ chức bộ máy và sắp xếp lại đơn vị hành chính chắc chắn ảnh hưởng đến một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, quá trình vận hành chính quyền mới đòi hỏi sự công minh, đồng thuận, quyết tâm chính trị cao và đặc biệt là tinh thần hy sinh lợi ích cá nhân.
Mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị phải là tấm gương về trách nhiệm, giữ gìn đoàn kết nội bộ, luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực, trì trệ, mất đoàn kết trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách phát triển.
Cải cách và đổi mới chắc chắn gặp khó khăn, thách thức, với nhiều vấn đề phát sinh chưa thể lường trước. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi hệ thống pháp luật để bảo đảm đồng bộ, rõ ràng, dễ thực hiện, giảm thiểu vướng mắc. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi, xử lý nghiêm hành vi vi phạm nhằm giữ vững kỷ cương, xây dựng niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân.
Trong mô hình chính quyền mới, nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” cần được quán triệt sâu sắc và triển khai thực chất. Việc phân cấp, phân quyền - đặc biệt trong các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư - phải đi đôi với việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cá nhân trong bộ máy hành chính theo hướng: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả.
Khởi đầu cho giai đoạn mới của hành trình đổi mới đất nước đang diễn ra. Đây thực sự là một cuộc cách mạng về tư duy, tổ chức và vận hành toàn bộ hệ thống chính trị. Từ thực tiễn 40 năm qua cho thấy, chắc chắn sẽ có những khó khăn phát sinh, nhưng bài học lớn nhất vẫn là: Tinh thần quyết tâm, sự đoàn kết trong tổ chức Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân.
Chỉ khi bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả, cán bộ, đảng viên mới được phát huy vai trò; người dân mới được thụ hưởng lợi ích; và đất nước mới có thể phát triển giàu mạnh, nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc.
Sự nghiệp đổi mới đất nước giai đoạn mới là quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Dù phía trước còn nhiều thử thách, nhưng với sự đồng lòng, đoàn kết và ý chí vươn lên, chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng vào một Việt Nam phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng trong thời kỳ mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.