(HNM) - Ngày 7-9, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức hội thảo Việt Nam - Hàn Quốc về xử lý chất độc da cam/dioxin phục vụ phát triển bền vững.
Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, hậu quả của chất da cam/dioxin tại Việt Nam cho đến nay vẫn còn rất nặng nề và còn kéo dài hàng chục năm nữa. Kết quả nghiên cứu tại một số vùng được coi là trọng điểm bị ảnh hưởng nặng nề cho thấy, sau hơn 40 năm, nhìn chung, tồn lưu dioxin trên lớp đất bề mặt vẫn còn. Tuy nhiên, hiện trạng tồn lưu dioxin trong môi trường cho đến nay tại vùng bị phun rải cơ bản đã về ngưỡng an toàn theo TCVN 8183:2009 như tại: Cam Lộ, Gio Linh (Quảng Trị); A Lưới, Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế); Sa Thầy (Kon Tum); Tân Biên, Trảng Bàng (Tây Ninh); Phước Long (Bình Phước); Tân Uyên (Bình Dương); Biên Hòa (Đồng Nai)…
Hiện Việt Nam có 3 nơi được coi là điểm nóng về mức độ ô nhiễm dioxin là Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Sân bay Phù Cát (Bình Định) và Sân bay Đà Nẵng đều được xử lý và đã đạt được những thành công nhất định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.