(HNM) - Ngày 21-11, Quỹ Gabriel Péri (Pháp) tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông (lần thứ ba) tại Nghị viện Châu Âu (Brussels, Bỉ). Hội thảo quy tụ đông đảo các chuyên gia từ các nước như Anh, Bỉ, Đức, Italia, Mỹ, Pháp và Thụy Sĩ.
Nhiều diễn giả nhận định thời gian qua đã có những thay đổi liên quan đến khu vực Biển Đông như các chính sách về đánh bắt cá, bảo vệ môi trường, xây dựng bồi đắp làm thay đổi hạ tầng ngoài khơi. Các diễn giả đều nhất trí quan điểm luật pháp quốc tế phải là cơ sở cho mọi giải pháp.
Giáo sư Erik Franckx, Đại học Tự do Brussels (Bỉ), nhận định phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) tháng 7-2016 đã làm rõ các vấn đề về ứng dụng, giải thích Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; các bên cần đối thoại song phương để tìm ra giải pháp cùng chấp nhận được.
Ông Christian Lechervy, Đại sứ, Thư ký Thường trực về khu vực Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Pháp, đề xuất quản lý các thách thức về ngắn và trung hạn tại Biển Đông thông qua 3 công cụ. Đó là duy trì đối thoại thường xuyên Á - Âu cùng diễn đàn EU - ASEAN và một cơ chế đối thoại hẹp hơn giữa các nước trong ASEAN với nhau hoặc với Nhật Bản hay Mỹ.
Đặc biệt, ông Lechervy nhấn mạnh đến mô hình đối thoại giữa nghị viện với nghị viện, cho rằng việc ổn định và phát triển kinh tế của khu vực Biển Đông sẽ đóng góp cho tăng trưởng chung của kinh tế thế giới. Đó cũng là lý do thúc đẩy EU gắn bó với mục tiêu duy trì ổn định trong không gian biển chiến lược này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.