Sáng 24/7, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Tầm nhìn mới”.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính; Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Katherine Muller - Marin, cùng hơn 150 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, quản lý ở lĩnh vực môi trường, du lịch trong và ngoài nước đã tới dự.
Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Đây là hội thảo có tầm quan trọng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhằm nêu lên thực trạng, tồn tại hạn chế, những thách thức, cũng như tìm giải pháp phát triển Vịnh Hạ Long lên tầm cao mới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nêu rõ: Vịnh Hạ Long có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới. Hiện nay, có hàng triệu lượt du khách tới tham quan với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Đây là những cơ hội to lớn cho Vịnh Hạ Long phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những thách thức to lớn và vấn đề đặt ra là phải bảo tồn, phát triển Vịnh Hạ Long như thế nào để đạt được như mong muốn. Vì vậy, Hội thảo nhằm tìm ra một hướng đi, trong đó chú trọng giải pháp thông qua du lịch để bảo tồn di sản.
Bộ trưởng lưu ý, khách du lịch càng tăng thì kỳ vọng càng lớn. Nhưng khi khách đến đông mà việc quy hoạch, thực hiện kém sẽ làm cho di sản nhanh mai một. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị, tới đây phải lấy chất lượng, hiệu quả làm trọng tâm, đồng thời gắn trách nhiệm với công tác bảo tồn và phát huy di sản thiên nhiên thế giới.
Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính cho biết: Quảng Ninh đang phát triển du lịch Vịnh Hạ Long gắn với phát triển kinh tế bền vững của tỉnh, gắn phát triển với bảo vệ môi trường. Chiến lược đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của cả nước nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng đang xác định Vịnh Hạ Long là điểm đến du lịch trọng điểm, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, tỉnh đặt ra 4 nhiệm vụ lớn để thực hiện, đó là: Định vị sự phát triển của Vịnh Hạ Long đặt trong tầm quan trọng của quốc gia và toàn cầu; xây dựng thương hiệu du lịch, mục tiêu đầu tư để Vịnh Hạ Long thành điểm đến hàng đầu; khai thác hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường và tôn tạo Vịnh Hạ Long, nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên cho người dân, nhất là người dân địa phương.
Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, cảnh đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho Vịnh Hạ Long thì ai cũng phải thừa nhận. Nhưng để khai thác có hiệu quả lại là vấn đề khác và cần phải bàn luận nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng: Nhận thức của người dân về làm du lịch sinh thái chưa cao; các sản phẩm, nhất là sản phẩm lưu niệm chưa phong phú, đa dạng; việc đầu tư, bảo tồn và phát huy di sản chưa xứng tầm với di sản Vịnh Hạ Long.
Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: Những nỗ lực bảo vệ và quảng bá Vịnh Hạ Long cần phải xuất phát từ các bên liên quan là: Nhà nước và tư nhân; quốc tế và quốc gia. Trách nhiệm này thuộc về các quốc gia thành viên và UNESCO sẵn sàng hỗ trợ để nâng cao năng lực thực thi trách nhiệm. Về môi trường, những tác động của các hoạt động ảnh hưởng tới môi trường khá rõ ràng. Chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường váng dầu và rác thải trên mặt nước cũng như trên bờ Vịnh. Trung tâm di sản thế giới và Văn phòng UNESCO thường xuyên nhận được thư của du khách trong đó nhấn mạnh mối lo ngại về môi trường. Một số du khách còn đưa ra các giải pháp, chẳng hạn thành lập quỹ bảo vệ môi trường, hoặc lôi kéo du khách tham gia các chiến dịch làm sạch Vịnh.
Bà Katherine Muller-Marin đề nghị, kiểm soát chặt chẽ rác thải từ tàu, thuyền là việc cần làm ngay, đặc biệt cần đảm bảo việc này không xảy ra ở vùng ranh giới của di sản, bởi điều này có thể kéo theo việc gây ô nhiễm môi trường vùng biển và bờ biển Cát Bà. Chúng ta hẳn đều mong muốn các thế hệ tương lai cũng được chiêm ngưỡng di sản kỳ diệu và độc đáo này. Bởi vậy, huy động nhiều nhân lực hơn nữa để thu gom rác không phải là giải pháp tối ưu. Điều cần thiết là có ít người vứt rác hơn ở nơi không nên vứt. Ứng dụng các giải pháp xử lý chất thải chuyển thành nhiên liệu hoặc phân bón nên được xem xét.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, trung bình mỗi năm Vịnh Hạ Long thu hút 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế. Những năm gần đây, di sản Vịnh Hạ Long và vùng phụ cận thu hút hơn 40 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng, các sản phẩm du lịch. Vịnh Hạ Long hiện có 15 đảo đá có giá trị điển hình được đưa vào chương trình giới thiệu tham quan du lịch. Tỉnh đang tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư vào khu du lịch này.
Để phát triển Vịnh Hạ Long, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đề xuất 4 giải pháp lớn gồm: Đặt Vịnh Hạ Long vào vị trí ưu tiên trong hoạch định phát triển kinh tế - xã hội của khu vực; cần có văn bản quy phạm pháp luật riêng cho Vịnh Hạ Long; vai trò của cộng đồng dân cư, khách du lịch và doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo vệ môi trường và cần định vị lại định hướng, tư duy về phát triển du lịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.