(HNMO) - Ngày 9-10, Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Konrad Adenauer (Đức) đã diễn ra tại Hà Nội.
Với chủ đề "Tranh chấp ở Biển Đông: Tác động và các hướng tiếp cận hòa bình, hợp tác", hội thảo diễn ra trong 2 ngày đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học quốc tế đến từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Indonesia, Philippines.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, tiếp nối những kết quả nghiên cứu về biển đảo, Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần này là một đóng góp có ý nghĩa đối với an ninh chung và hợp tác trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, một khu vực đã phải trải qua nhiều xung đột và chia rẽ trong lịch sử. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, chúng ta đã chứng kiến sự hợp tác đa diện đa tầng, đa lĩnh vực mạnh mẽ chưa từng thấy trong khu vực. Cùng với đó là sự phát triển ngoạn mục của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, góp phần đưa Châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực phát triển năng động nhất thế giới, là một trong 3 trung tâm lớn của nền kinh tế toàn cầu.
Có thể nói chưa bao giờ các nước và người dân ở Châu Á - Thái Bình Dương có được cơ hội hợp tác và phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, cơ hội này đã và đang bị thách thức và đe dọa nghiêm trọng trong những năm gần đây khi những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày một gia tăng. Chiến lược giữa các cường quốc cùng những bất đồng giữa các nước trong khu vực ngày càng sâu sắc. Tình hình này khiến cho ổn định hòa bình và hợp tác khu vực đứng trước những thách thức chưa từng có.
Thời gian gần đây, tranh chấp trên Biển Đông là điểm nóng đáng chú ý nhất. Tình hình ngày càng nguy hiểm hơn khi những tranh chấp lãnh thổ không đơn giản là vấn đề giữa các nước trực tiếp có tuyên bố về lãnh thổ. Do vị trí có tầm quan trọng về địa chính trị, địa kinh tế của Biển Đông, đồng thời do sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa các quốc gia, tranh chấp Biển Đông đã trở thành vấn đề của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Những hành động gây hấn, trái với luật pháp quốc tế thời gian gần đây đã đặt ra những nguy cơ về an ninh, hợp tác, phát triển và tự do hàng hải.
Hội thảo sẽ diễn ra 5 phiên thảo luận với nhiều tham luận của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, tập trung vào thực trạng của Biển Đông và các hướng tiếp cận nhằm đưa ra các giải pháp hướng tới hòa bình hợp tác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.