Chiều 18-7, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai họp chỉ đạo ứng phó bão Wipha; bão số 3 trên Biển Đông năm 2025, được dự báo mạnh, có phạm vi ảnh hưởng rộng.
Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, bão Wipha hình thành từ vùng áp thấp nhiệt đới phía Đông Philippines đang di chuyển nhanh về phía Tây Bắc với tốc độ khoảng 30km/h.
Khoảng sáng 19-7, bão sẽ đi vào Biển Đông, trở thành bão số 3 trong năm 2025. Đêm 20 hoặc rạng sáng 21-7, bão đạt cường độ mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 khi tiến gần đảo Hải Nam (Trung Quốc), sau đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền Việt Nam từ đêm 21 và trong ngày 22-7.
Hoàn lưu bão sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng từ ngày 21 đến 24-7 ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, với lượng mưa phổ biến 200-350mm, có nơi cao hơn 500mm. Ông Mai Văn Khiêm lưu ý, hướng đi và lượng mưa cụ thể vẫn cần tiếp tục theo dõi, do các mô hình dự báo hiện chưa thống nhất.
Về công tác ứng phó, đến 11h ngày 18-7, Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, thông báo cho 35.183 phương tiện với 147.336 lao động hoạt động trên biển. Hiện nay không có phương tiện hoạt động tại khu vực ảnh hưởng của bão.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk sẵn sàng phương án đối phó với bão và mưa lớn. Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng quân đội ứng trực. Bộ Ngoại giao đề nghị các nước tạo điều kiện cho tàu thuyền Việt Nam tránh trú bão. Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phát hơn 35 triệu tin nhắn cảnh báo và hướng dẫn người dân ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, bão Wipha xuất hiện trong bối cảnh các địa phương vừa tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền hai cấp, do đó càng cần thể hiện tinh thần chủ động, không để bị động, bất ngờ.
Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường cảnh báo, sẵn sàng phương án sơ tán dân, bảo đảm an toàn hồ đập, hệ thống đê điều và sản xuất nông nghiệp.
“Cần hành động khẩn trương nhưng chắc chắn, không chủ quan, đồng thời, tận dụng đợt ứng phó này để rà soát toàn diện năng lực điều hành phòng, chống thiên tai ở cấp xã...”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.