(HNM) - 120 ống adrenalin, hơn 100 lần sốc điện tim trong hơn 1 giờ đã đưa bệnh nhân (BN) Phạm Văn Lý (51 tuổi, ở Vĩnh Phúc) trở về từ cõi chết...
Như PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV từng nhiều lần chia sẻ, "một bác sĩ giỏi không chỉ phẫu thuật thành công những ca bệnh phức tạp mà phải dũng cảm đương đầu với những vấn đề nhạy cảm. Tính mạng BN, nhất là những bệnh nhân mắc bệnh tim, luôn là tối thượng. Nếu bác sĩ sợ kiện tụng đánh mất cơ hội sống của BN thì đó không phải là y đức". Sự dũng cảm đến từ một trái tim tràn đầy tình yêu thương với người bệnh chính là chìa khóa của những thành công của tập thể y bác sĩ BV Tim Hà Nội.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tú thăm khám cho bệnh nhân Phạm Văn Lý. |
Trở về từ cõi chết
15h5 ngày 26-5-2015, chiếc xe cứu thương của BV Đa khoa TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) hối hả ủ còi đưa BN Phạm Văn Lý (51 tuổi, ở Vĩnh Phúc) vào Khoa Cấp cứu của BV Tim Hà Nội. Cách đây 4 năm, ông Lý đã từng nhập viện vì suy mạch vành và đã được bác sĩ của Viện Tim mạch Việt Nam đặt 3 stent để duy trì mạch máu lưu thông, tránh tái phát hiện tượng nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, vốn tham công tiếc việc, gia cảnh còn nhiều khó khăn và chủ quan với bệnh tật, ông ít tái khám, dùng thuốc không đầy đủ theo chỉ định và vẫn làm công việc đồng áng nặng nhọc. Bệnh đột nhiên tái phát, ông Lý được đưa vào BV Đa khoa TP Vĩnh Yên cấp cứu. Vốn là BV vệ tinh của BV Tim Hà Nội, các bác sĩ của BV Đa khoa Vĩnh Yên đã sơ cứu đúng cách và chuyển ngay BN lên BV Tim Hà Nội với hy vọng sống chỉ là 1%.
Kíp trực cấp cứu do Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tú là trưởng kíp tiếp nhận BN trong tình trạng cái chết đang tới rất gần. Lúc này, BN đã bóp bóng qua nội khí quản, phải dùng thuốc trợ tim liều cao, huyết áp thấp, tim đập rất nhanh. Trong quá trình thăm khám, BN ngừng tim, lượng kali trong cơ thể ở mức quá cao (6,5) và hy vọng sống hầu như không có. Nhưng như bác sĩ Nguyễn Xuân Tú chia sẻ với chúng tôi trong ngày BN trở về với gia đình, qua theo dõi phản ứng của người bệnh với các biện pháp cấp cứu như ép tim, tiêm adrenalin theo đường tĩnh mạch trung tâm với liều lượng rất cao (1mcrg/kg/phút), sốc điện thì thấy quả tim của BN có đáp ứng. Tim không còn bị rung lên, trên điện tim đồ vẫn có sóng… Những biểu hiện đó cho bác sĩ niềm hy vọng trái tim ấy vẫn đang cố tranh đấu với bệnh tật để sống. Bởi vậy, kíp trực đã quyết định chiến đấu với tử thần.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết: "Việc sốc điện tới trăm lần, truyền thuốc adrenalin tới hơn trăm ống trên bệnh nhân đã ngừng tim, trên lý thuyết về cấp cứu tim chưa hề có, nhưng trên thực tế đã diễn ra ở BV Tim Hà Nội và điều kỳ diệu là BN đã sống, đang dần hồi phục. Điều này cho thấy, trong cấp cứu tim đừng bao giờ từ bỏ hy vọng, đừng bao giờ tuyệt vọng, còn nước còn tát, để giành giật sự sống, giây phút ấy, khoảnh khắc ấy, ngoài tấm lòng ra, người bác sĩ phải nỗ lực không ngừng, quyết đoán và phản xạ hết sức nhanh nhạy".
17h10, trái tim kiên cường ấy đã đập trở lại, BN Phạm Văn Lý được đưa sang hồi sức tích cực nội. Sau 2 tuần theo dõi, ngày 9-6, BN được phẫu thuật bắc cầu nối. Ngày 18-6, BN đã được ra viện trong niềm vui không chỉ của những người thân yêu mà còn của toàn thể cán bộ, nhân viên BV Tim Hà Nội.
Kỳ tích không đến từ may mắn
Tranh thủ trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Xuân Tú giữa hai ca cấp cứu, tôi đặt một câu hỏi mà khi nghe trả lời của người thầy thuốc còn rất trẻ này, tôi chợt thấy mình thật nông cạn. Khi hỏi "cảm giác của anh thế nào lúc trái tim của BN đập trở lại", tôi nghĩ sẽ nhận được câu trả lời như "thông lệ" rằng "rất mừng vui vì đã cứu sống một con người". Nhưng Nguyễn Xuân Tú chia sẻ một cách giản dị, "thấy quên mệt chị ạ". Rồi dường như hiểu được sự ngạc nhiên của tôi, Tú giải thích: Trong quá trình cấp cứu BN, phải sốc điện cũng như làm các thủ thuật khác, nếu không có sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, không có sự hỗ trợ của máy móc và đồng nghiệp thì không đủ sức để cấp cứu hàng giờ như thế. Thêm nữa, chúng tôi xác định, cấp cứu cho BN là công việc thường ngày của mình mà mình phải làm, làm để cứu chữa cho người bệnh chứ không phải chờ để tán dương, khen thưởng. Sau cấp cứu, BN còn phải hồi sức và điều trị, chỉ khi nào họ hoàn toàn khỏi bệnh thì chúng tôi mới thấy vui. Tôi cho là BN Lý được cứu sống là do nghị lực sống của người bệnh và có lẽ là cả do số phận nữa.
Nghe Nguyễn Xuân Tú chia sẻ, trong tôi dấy lên một suy nghĩ, nếu BN Phạm Văn Lý không được đưa vào BV Tim Hà Nội cấp cứu thì liệu số phận của ông có rẽ sang một ngả khác. Tôi tin là có bởi không phải ở nơi nào người bác sĩ cũng được yêu cầu phải nỗ lực không ngừng, quyết đoán và phản xạ hết sức nhanh nhạy và nếu có chưa chắc đã triển khai đến nơi, đến chốn. Y đức ở đây được cụ thể hóa thành những việc làm cụ thể từng ngày, đối với từng vị trí công việc nhưng đều có một "mẫu số chung", đó là tinh thần dấn thân đến cùng, quyết liệt và dũng cảm của đội ngũ y bác sĩ.
Ca phẫu thuật tại giường bệnh cho BN Lương Minh Kỷ bị nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng vỡ tim và ngừng tuần hoàn cũng cho thấy sự dấn thân và lòng dũng cảm đó. BN nhập viện với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp sau dưới giờ thứ 10 có biến chứng rối loạn nhịp, ngừng tuần hoàn, tăng huyết áp, tiểu đường type II. Đây là một bệnh lý rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao. BN được xử trí hồi sức tích cực, can thiệp nong và đặt stent động mạch vành phải và chuyển về Khoa Hồi sức. Sáng hôm sau, BN đột ngột tụt huyết áp, siêu âm phát hiện dịch màng tim mức độ nhiều, hội chẩn quyết định dẫn lưu màng tim cấp cứu. BN được đặt nội khí quản, thở máy, chuẩn bị đặt dẫn lưu dịch màng tim thì ngừng tim. PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn cùng các bác sĩ tiến hành hội chẩn và quyết định mở ngực cấp cứu ngay tại giường bệnh, phát hiện vết nứt gần mỏm thất phải. Kíp phẫu thuật đã quyết định triển khai mổ tim hở với hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể ngay tại giường vì không có đủ thời gian chuyển BN vào phòng mổ.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết: Chỉ trong 3 phút, nếu không cấp cứu kịp, BN sẽ mất não do máu không lên não và tử vong. Đây là BN nhồi máu cơ tim bị biến chứng vỡ tim đầu tiên được BV cứu sống. Có được thành công này là nhờ sự dũng cảm của người thầy thuốc. Để cứu sống BN trong tích tắc, các bác sĩ đã không chờ có sự đồng ý của người nhà BN, nếu không may BN tử vong trong lúc phẫu thuật thì bác sĩ hoàn toàn có thể bị gia đình kiện, song chúng tôi đã chấp nhận mọi rủi ro. "Nếu sợ bị kiện tụng, sợ trách nhiệm và không cứu BN trong tình huống nguy hiểm ấy là không có y đức", cách quan niệm về y đức ấy chính là cái "gốc" để các bác sĩ ở BV Tim Hà Nội cứu sống nhiều ca bệnh một cách ngoạn mục và làm nên những kỳ tích trong y học.
Cũng phải kể đến những điều kiện giúp các bác sĩ của BV Tim Hà Nội dám dũng cảm chiến đấu với tử thần. Đó là một mô hình BV hoàn chỉnh với các chuyên ngành nội khoa, ngoại khoa, tim mạch can thiệp. Các chuyên ngành tim mạch chuyên sâu hoàn chỉnh sẽ hỗ trợ rất tốt cho quá trình khám chữa bệnh, điều trị bệnh và đặc biệt là cấp cứu và phẫu thuật, can thiệp những trường hợp bệnh nhân nặng. Ở BV Tim Hà Nội luôn luôn có sự kết hợp đồng bộ, liên hoàn, kịp thời giữa cấp cứu, hồi sức tích cực, phẫu thuật tim mở và hồi sức sau mổ. Chính mô hình đó đã giúp các bác sĩ tiết kiệm từng giây để chiến đấu với tử thần, đem lại cho những trái tim bệnh tật sự hồi sinh.
Trong bức thư gửi PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, một BN đã viết, ngành y tế cần đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho các thầy thuốc BV Tim Hà Nội. Nhưng có lẽ với những BN Phạm Văn Lý, Lương Minh Kỷ và rất nhiều người bệnh khác, các bác sĩ của BV Tim Hà Nội đã thực sự là những người anh hùng áo trắng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.