Văn hóa

Hồi sinh nghệ thuật tranh thêu Đông Dương

Bài và ảnh: Linh Tâm 20/01/2025 - 13:11

Nghề thêu ở Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, cho đến nay vẫn còn nhiều làng giữ được nghề của cha ông như Quất Động, Đông Cứu, Thắng Lợi (Hà Nội), hay ở Văn Lâm (Ninh Bình), Kim Long, Thuận Lộc (Huế)...

Nhưng không phải ai cũng biết rằng, bên cạnh lối thêu truyền thống còn có một dòng thêu khác dường như đã bị lãng quên, đó là nghệ thuật tranh thêu Đông Dương. Người góp phần đưa dòng tranh này trở lại chính là Phạm Ngọc Trâm - một họa sĩ, nghệ sĩ thêu và là Nhà sáng lập Meo Meo Artelier.

tranh-theu.jpg
Họa sĩ - nghệ sĩ thêu Phạm Ngọc Trâm

“Giải mã” tranh thêu Đông Dương

Theo nhiều nguồn sử liệu, nghệ thuật thêu tay đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ thời vua Hùng, nhưng phải đến thế kỷ XVII, nghề thêu mới thực sự phát triển nhờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành (1606 - 1661).

Cho đến thế kỷ XIX, khi người Pháp vào Việt Nam, nghề thêu đã phát triển mạnh mẽ với các mặt hàng chủ yếu như trang phục, đồ thờ tự, vật dụng. Các hàng thêu “nở rộ” trên phố Hàng Chỉ, Hàng Lọng, Hàng Trống, Hàng Gai... Bác sĩ Charles Édouard Hocquard từng mô tả khung cảnh này như sau: “Một trong những ngành buôn chính của Hà Nội là lụa thêu. Nghề thêu chiếm một phường lớn trên đường từ khu nhượng địa vào thành...”. Trên con phố nhỏ Yên Thái hiện nay vẫn còn ngôi đình Tú Thị (chợ đình Thợ Thêu) - từng là nơi buôn bán, trao đổi các mặt hàng thêu. Ngôi đình là nơi thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành, được người dân làng nghề Quất Động (huyện Thường Tín, Hà Nội) đến tụ cư tại kinh thành Thăng Long xây dựng vào năm 1891.

Nhận thấy những người thợ thêu An Nam có đôi bàn tay khéo léo cùng óc thẩm mỹ tốt, người Pháp đã đặt làm những bức tranh thêu, vật phẩm theo phong cách riêng, có sự pha trộn giữa phong cách dân gian của người Việt hài hòa với nét thanh tân, hiện đại của phương Tây. Mặc dù có lịch sử hình thành muộn hơn so với các nước đồng văn trong khu vực, nhưng trình độ và tay nghề của người thợ thêu Việt Nam đã được các học giả người Pháp đánh giá cao. “... Người thợ thêu An Nam khéo léo hơn người thợ thêu Trung Quốc về đường kim mũi chỉ và cách pha màu sắc...” (nhà sử học người Pháp Gabrielle M. Vassal).

Còn bác sĩ Charles Édouard Hocquard, trong cuốn sách nói về nghề thêu cuối thế kỷ XIX đã nhận định: “Người thợ thêu Việt Nam tỏ ra rất khéo léo trong việc phân bổ màu sắc trên lụa, để có những bức tranh thêu hòa hợp không chát chúa”.

Những tác phẩm tranh thêu Đông Dương nay chỉ còn trong ký ức của số ít người, hoặc “ẩn nấp” trong các bộ sưu tập của những nhà sưu tầm sành sỏi hay trên những trang đấu giá nghệ thuật quốc tế. Mặc dù những tác phẩm này còn ít nhưng đủ để người ta nhận diện phong cách, đề tài và những giá trị đặc trưng. Đó là miêu tả các phong tục tập quán của người Việt như đám cưới, đám rước ngày hội, vinh quy bái tổ; tái hiện các điển tích như “Nhị thập tứ hiếu”, “Bát tiên”, “Ngư tiều canh mục”, “Kim kê giao đấu”, “Hoa điểu”; hay thông qua các họa tiết thêu nổi tạo khối đặc trưng như đường viền hoa mướp, cây cỏ và các loài chim bản địa như diệc xám, cò, trĩ...

Ngay cả khi nhận được những đơn hàng của người Pháp đặt làm với những họa tiết, chủ đề kiểu phương Tây nhưng thợ thêu Việt Nam vẫn “vẽ” nên những bức tranh thêu với phong cách "đặc An Nam”, được nhận diện bởi các kỹ thuật thêu khác nhau như đâm xô, dồi nổi... tạo nên sự uyển chuyển, tinh tế. Cùng với đó là nền vải tơ tằm và những con chỉ nhuộm màu óng ả với bảng màu được chiết xuất từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên.

Một đặc điểm nhận diện khác của tranh thêu Đông Dương là cách chơi màu đôi khi rất “chỏi”, có tính tương phản cao nhưng lại hoàn toàn phù hợp, mang đến nhiều cung bậc cảm xúc và thể hiện mỹ cảm của người Việt, giúp phân biệt với tranh của các nước đồng văn như Trung Quốc, Nhật Bản dù nội dung có cùng chủ đề. Cuối cùng, để “giải mã” tranh thêu Đông Dương, có thể gói gọn ở các đặc tính chính là: Tính bản địa, giao lưu quốc tế và lòng yêu nước của người thợ Việt Nam.

Ước mơ ra thế giới từ... bức tranh rách

Giữa dòng chảy tấp nập của đời sống hiện đại, người gắn bó với nghề thêu truyền thống dường như ngày càng ít đi. Vậy mà họa sĩ - nghệ sĩ thêu Phạm Ngọc Trâm, người sinh ra và lớn lên tại khu vực phố cũ của Hà Nội lại chọn bỏ công việc ổn định, lương cao để theo nghề.

Cơ duyên đến với cô trong những ngày đi du học ở Pháp. Trong một lần "lang thang" trên trang đấu giá nghệ thuật Sotheby’s chỉ để “xem” các tác phẩm, Trâm đã không thể rời mắt trước một bức tranh thêu tuy cũ nhưng vẫn có thể thấy được màu sắc sinh động và họa tiết tinh xảo. Khi biết đó là tranh được thêu bởi những người thợ Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, cô không ngần ngại bỏ số tiền dành dụm được để mua về. Sau này, những bức tranh như thế ngày càng hiếm, giá tăng lên nên Trâm đành phải mua cả những “mẩu” tranh đã bị rách, sờn. Cô không ngần ngại tháo tung cả mẩu tranh rách kia để xem cách người xưa đi mũi kim, sợi chỉ và học theo. Quá trình thực hành, tự mày mò tìm hiểu ấy đã giúp Trâm có thêm nhiều kiến thức mà không tài liệu, sách vở hay người thầy nào nói với cô.

Trở về nước, Trâm lặn lội đến nhà những nghệ nhân nổi tiếng như nghệ nhân Vũ Giỏi ở làng thêu Đông Cứu (huyện Thường Tín, Hà Nội) và ở đó hàng tháng trời để học cách thêu trên cổ phục. Cô cũng không ngần ngại tìm đến những nghệ nhân lớn tuổi để học hỏi họ những kiến thức sơ đẳng nhất. Thấu hiểu niềm đam mê mãnh liệt và khát khao khôi phục một dòng tranh đứng trước nguy cơ thất truyền của Trâm, các nghệ nhân đã tận tình chỉ dạy, tặng cô những tài liệu quý với mong muốn truyền lại cho cô cái tinh thần và giá trị nghệ thuật cốt lõi để Trâm nắm bắt và gìn giữ di sản của cha ông.

Đứng trước một lối đi khá mờ mịt khi không thấy đường, không có người chỉ dẫn, không tài liệu học tập... nhưng Phạm Ngọc Trâm vẫn lựa chọn tin vào chính mình. Trâm tâm sự, khó nhất là luôn giữ được cho mình sự tò mò bởi chỉ có như thế mới kích thích người ta tìm hiểu, học hỏi và kiên định giữ vững mục tiêu của mình. Chính nhờ thói quen này mà Trâm gặp được nhiều “thầy giáo” trên hành trình của mình. Đó là các cụ già, người trẻ, người thợ, nghệ nhân ở lĩnh vực thêu, nhuộm màu ở trong và ngoài nước. Nhiều kinh nghiệm độc đáo về mũi thêu, hay cách tạo màu nhuộm theo ý mình Trâm đã học được từ họ. Cho đến giờ, có lẽ cô là nghệ sĩ - thợ thêu sở hữu nhiều chỉ màu được nhuộm tự nhiên nhất Việt Nam với hơn 300 màu sắc khác nhau.

Trong căn nhà nhỏ nằm ven sông Thu Bồn ở Hội An (Quảng Nam) của Trâm có một khu vườn xanh mát, nơi có rất nhiều loài cây cỏ, thực vật giúp Trâm có thể nhuộm những con chỉ có màu sắc đúng “gu” của mình. Sau nhiều lần thử nghiệm, tính toán công thức và đưa vào thực tế, đến nay Trâm có thể tự tin khi những con chỉ do cô tạo ra có độ bền lên tới hàng chục năm. Ngày ngày, Trâm nhẩn nha ngồi dưới hiên nhà đầy nắng, nắn nót thêu từng mũi bởi chỉ cần không tập trung, các họa tiết sẽ bị xô lệch hoặc không đạt được độ uốn chuyển tinh tế, mềm mại. Dưới mũi kim của Trâm, nỗi nhớ về một Hà Nội thâm trầm, cổ kính, nơi có gia đình và bao ký ức của tuổi thơ lần lượt hiện ra. Nếu đủ nhạy cảm, người xem có thể cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn, sự khắc khoải hay thậm chí cả nỗi đau mà Trâm dành cho vùng đất này...

Thi thoảng, Trâm lại từ Hội An ra Hà Nội, nhận lời mời tham gia các sự kiện như Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, dự án “Chuyện đình trong phố” tại đình Tú Thị hay tham gia các triển lãm, chương trình giao lưu, giảng dạy tại nước ngoài nhằm chia sẻ những kinh nghiệm và tình yêu của mình với nghệ thuật tranh thêu Đông Dương, qua đó góp phần lan tỏa giá trị của di sản này đến với công chúng. Trâm cũng nuôi ước mơ xuất bản một cuốn sách do cô tự viết về nghệ thuật tranh thêu Đông Dương, để những người có cùng đam mê không phải vất vả đi tìm như cô nữa. Niềm đam mê mà Trâm theo đuổi không chỉ góp phần hồi sinh một dòng tranh thêu tưởng chừng bị quên lãng mà còn thể hiện ý chí đưa nghề thêu Việt Nam nói chung và tranh thêu Đông Dương nói riêng lên bản đồ textile (dệt may) thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồi sinh nghệ thuật tranh thêu Đông Dương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.