Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội Người Việt Nam tại Mông Cổ: Mái nhà chung gắn tình quê hương

Thanh Hải| 31/12/2012 08:26

(HNM) - Cộng đồng người Việt Nam tại Mông Cổ chỉ vẻn vẹn khoảng 450 người, đa số là sinh viên sang Mông Cổ du học, sau đó ở lại làm việc và lập gia đình, hoặc công nhân cơ khí sang đây làm việc.

Ngày trước, ở đất nước rộng lớn, một trong những nơi lạnh nhất trên thế giới, có số dân khoảng 3 triệu người, nên hoạt động của người Việt Nam chưa thực sự gắn kết. Nhưng, kể từ khi được thành lập (ngày 28-8-2010), Hội Người Việt Nam tại Mông Cổ đã trở thành địa chỉ gắn kết bà con kiều bào tại đây.

Đại sứ quán Việt Nam và Hội Người Việt Nam tại Mông Cổ tổ chức tiếp nhận Giấy phép hoạt động và con dấu của Hội Người Việt Nam tại Mông Cổ.

Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Huy Tuấn, cho biết, nền kinh tế Mông Cổ chủ yếu là nông nghiệp chăn nuôi, khai khoáng. Cơ chế quản lý người nước ngoài tại Mông Cổ khá chặt chẽ, phí tạm trú cao, hộ chiếu chỉ có giá trị sử dụng trên một năm điều kiện kinh doanh ngặt nghèo (có 100 nghìn USD mới được mở công ty).

Bên cạnh đó, Mông Cổ đất rộng, người thưa nên tiềm lực kinh doanh của người Việt còn khiêm tốn, chủ yếu theo kiểu nhỏ lẻ, tự phát, không có sự liên kết với nhau. Do đó, hoạt động của người Việt Nam tại xứ sở Thành Cát Tư Hãn này không được thuận lợi như nhiều cộng đồng người Việt ở các quốc gia khác. Theo thống kê, người Việt tại Mông Cổ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tân trang, gò hàn và sơn ô tô; kinh doanh một số dịch vụ khác, như cung cấp các loại hàng hóa tiêu dùng (mang từ Việt Nam sang), hay dịch vụ ăn uống, chụp ảnh, cho thuê áo cưới; thu nhập bình quân từ 1.000 đến 1.500 USD/tháng. Hằng năm lượng kiều hối gửi về Việt Nam vào khoảng từ 2 triệu đến 3 triệu USD. Nhưng từ khi Hội Người Việt Nam tại Mông Cổ ra đời, cộng đồng đã có tiếng nói chung trong làm ăn nhằm phát huy khả năng, hiểu biết, đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau làm ăn có lợi và hướng về Tổ quốc, việc chấp hành của bà con đối với các chính sách của nước sở tại cũng có ý thức hơn.

Kể từ khi được thành lập, Hội Người Việt Nam tại Mông Cổ đã khắc phục được tình trạng mạnh ai nấy làm, làm ăn theo kiểu tạm bợ, chụp giật, không có sự giúp đỡ nhau; thậm chí còn mất đoàn kết giữa các xưởng trong cộng đồng. Hội đã thể hiện vai trò là chiếc cầu nối giữa mọi người trong cộng đồng, giữa cộng đồng với nước sở tại. Mỗi khi bà con trong cộng đồng có vướng mắc gì, ban lãnh đạo hội không quản ngại khó khăn, đến liên hệ với các cơ quan chức năng ở nước sở tại để giúp bà con tháo gỡ khó khăn, an tâm làm việc. Những khi gia đình bà con trong cộng đồng có việc, hội luôn đi đầu trong đóng góp và vận động mọi người góp tiền vé máy bay cho bà con trở về quê nhà. Ngay như anh Nguyễn Huy Tuấn, ngoài vai trò là Chủ tịch Hội, anh còn là một doanh nhân chuyên đưa thực phẩm từ Việt Nam sang thị trường Mông Cổ tiêu thụ. Ngoài mục tiêu thương mại, anh còn muốn gửi gắm hương vị quê nhà sang cho những người đồng bào xa xứ. Bởi vậy mà mỗi dịp Tết cổ truyền sắp đến, anh cố gắng nhập gạo nếp và các nguyên liệu nấu bánh chưng từ Việt Nam sang thật nhiều, tụ tập bà con đến nhà gói bánh, sau đó chia cho mọi người.

Nhờ có sự vận động, hướng dẫn của hội, việc chấp hành của bà con đối với các chính sách của nước sở tại cũng có ý thức hơn; cộng đồng đã có tiếng nói chung trong làm ăn nhằm phát huy khả năng, hiểu biết, đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau làm ăn có lợi và hướng về Tổ quốc. Vào những ngày lễ kỷ niệm như 30-4, Quốc khánh 2-9, hội luôn đi đầu trong các hoạt động tập hợp người Việt. Dịp kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ đã phối hợp với Hội Người Việt Nam tại Mông Cổ tổ chức giao lưu thể thao (đá bóng) giữa các công dân Việt Nam đang làm ăn, sinh sống và học tập tại Mông Cổ. Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, chia sẻ khó khăn thuận lợi, góp phần tăng tình đoàn kết, gắn bó cùng vượt qua những khó khăn, an tâm làm việc và sinh sống nơi đất khách quê người. Trong năm vừa qua, hội đã chính thức được Nhà nước Mông Cổ cấp giấy phép hoạt động và con dấu cũng như được phía bạn công nhận là một tổ chức phi chính phủ. Chắc chắn, đây sẽ là một động lực nữa để Ban Chấp hành Hội ngày càng vững mạnh, cùng nhau đoàn kết, tương thân tương ái trong cuộc sống và trong làm ăn.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội Người Việt Nam tại Mông Cổ: Mái nhà chung gắn tình quê hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.