Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân

Khánh Vũ| 05/04/2018 14:07

(HNMO) – Ngày 5-4, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của Ban Chỉ đạo Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và đến năm 2020

Hội nghị về Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 và Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 


Theo báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) năm 2017 của ngành GD-ĐT Hà Nội, tổng số trường được kiểm tra thẩm định công nhận mới là 130 trường, đạt 162,5% kế hoạch. Trong đó, cấp mầm non được công nhận 57 trường, tiểu học 31 trường, THCS 34 trường, THPT 8 trường. Tỷ lệ trường đạt CQG toàn thành phố là 52% (1.372/2.641 trường)...Theo kế hoạch xây dựng trường đạt CQG giai đoạn 2016-2020, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 là tỷ lệ các trường mầm non và phổ thông công lập đạt CQG ở mức 70%. Năm 2018 phấn đấu công nhận mới 80 trường (tiểu học 17 trường, THCS 23 trường, THPT 6 trường); công nhận lại 189 trường.

Sở GD-ĐT đề nghị các địa phương đầu tư kinh phí giải quyết dứt điểm trường công nhận lại, rồi thực hiện đầu tư xây dựng trường công nhận mới. Các quận trung tâm cần bổ sung quỹ đất để mở rộng trường hoặc tách trường và giải pháp nâng tầng để bổ sung phòng học. Sở cũng đề xuất UBND thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng kinh phí xây dựng trường đạt CQG cấp THPT, hỗ trợ kinh phí cho 2 huyện có tỷ lệ trường đạt CQG thấp là Phú Xuyên, Ba Vì; rà soát quỹ đất công để bổ sung quỹ đất và giải pháp nâng tầng cho các trường thuộc quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm…

Tại hội nghị, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa báo cáo kết quả công tác thực hiện BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018. Theo đó, năm 2017, tổng số người tham gia BHXH, BHYT là trên 6,325 triệu, tăng 8,1% so với năm trước đó... Số lượt người đi khám chữa bệnh là 10,317 triệu, tổng chi phí khoảng 16 nghìn tỷ đồng. BHXH thành phố đã thẩm định chi phí khám chữa bệnh tại 36 bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện, dự kiến từ chối thanh toán 40 tỷ đồng. Đến nay, có hơn 54 nghìn đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, chiếm 89,7% số đơn vị tham gia BHXH, BHYT... Tuy nhiên, hiện nay, số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT mới đạt gần 50%. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT chưa đạt mức 100%. Tổng số tiền nợ của Hà Nội vẫn cao hơn mức trung bình của cả nước...

BHXH thành phố cho biết trong giai đoạn 2018-2020, nhiệm vụ trong tâm là hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2018 là 85,3% và đến năm 2020 đạt trên 90,1%; tăng tỷ lệ doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT trên 80%; giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 3,5%; thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử đạt 100%; đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực thu BHYT, BHXH.

BHXH thành phố đề nghị trung ương và thành phố xem xét tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên ở khu vực ngoại thành khó khăn, từ mức 30% lên 50%; kiến nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường đại học thực hiện tốt BHYT sinh viên. BHXH thành phố cũng kiến nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế cho phù hợp với thực tế, sửa đổi Luật BHXH năm 2014 hoặc ban hành văn bản để tháo gỡ vướng mắc trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án.

Đại diện các quận, huyện và các sở, ban, ngành đã tham gia nhiều ý kiến đóng góp, tập trung vào các vấn đề còn hạn chế như: Số trường đạt CQG trong khối mầm non và THPT chưa cao; tỷ lệ công nhận lại các trường đạt CQG còn thấp; nợ BHXH còn ở mức cao…

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý ghi nhận những đề xuất về kinh phí, đất đai của các quân, huyện; đề nghị Sở GD-ĐT cùng các quận, huyện sớm rà soát và lập danh mục trường thuộc diện được công nhận mới và danh mục các trường được công nhận lại để có kế hoạch cụ thể. Để đạt được mục tiêu đề ra, các địa phương cần có báo cáo về việc cân đối và bố trí nguồn lực tối đa để tập trung xây mới cũng như cải tạo các trường đã xuống cấp. Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT tổng hợp, hoàn thiện kế hoạch, đề xuất, trình UBND thành phố.

Về công tác BHXH, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề nghị BHXH thành phố tăng cường công tác tuyên truyền thông qua sự phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở GD-ĐT, Đảng ủy khối các trường đại học, nhằm tăng tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên để đạt tỷ lệ tham gia 100% với đối tượng này. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu BHXH thành phố tiếp tục phân loại nợ, phối hợp với các ngành, các quận, huyện, thị xã đôn đốc công tác thu, nỗ lực giảm tỷ lệ nợ. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra cần được triển khai theo hướng đa dạng hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.