Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 29-12, các tư lệnh ngành, địa phương đã phân tích những yếu tố thành công trong điều hành năm 2017 và hiến kế cho dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2018 cần tổ chức tốt hơn nữa việc cải cách hành chính, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở cả Trung ương và địa phương.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Cùng đó, tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tái cơ cấu nông nghiệp và công nghiệp; trong đó lấy tiêu chí hiệu quả đầu tư, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu lên hàng đầu. Đồng thời đẩy nhanh một số hiệp định đàm phán song phương về thương mại tự do để tạo ra động lực mới thúc đẩy tăng trưởng, phát triển doanh nghiệp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, năm tới công tác quản lý thị trường cần được đẩy mạnh trong cả nước.
Tâm đắc trước việc doanh nghiệp đã tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2017 đã có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành lên khoảng 5.661.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị năm 2018, cần tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đồng thời sửa văn bản pháp luật liên quan để cởi những nút thắt về đất đai, cụ thể là Luật Đất đai.
Nhìn nhận tình hình thu chi ngân sách năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, chi ngân sách đã tiếp tục theo hướng cơ cấu lại, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên cũng như thực hiện nguyên tắc thị trường như khoán chi phí, khoán xe công, từng bước chi đúng chi đủ theo giá dịch vụ…
Về nợ công, ngành Tài chính cũng dần kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công. Do vậy, tình hình nợ công đã bớt áp lực hơn nhiều so với những năm trước đây.
Sang năm 2018, người đứng đầu ngành tài chính cho biết sẽ rà soát chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách miễn, giảm giá, thuế trong chính sách về kinh tế - xã hội.
Đồng thời đẩy mạnh cải cách thuế, hải quan tạo thuận lợi cho kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị năm tới, các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với hải quan tiếp tục thực hiện cải cách kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra sau thông quan để tạo thuận lợi hơn cho thương mại quốc tế.
Báo cáo tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, năm 2017, cơ cấu tín dụng đã tập trung vào khu vực sản xuất kinh doanh; trong đó trọng điểm là công nghiệp chế biến chế tạo, dự kiến tăng trên 30% tín dụng, doanh nghiệp công nghệ cao chiếm trên 28%, tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm trên 21%. Trong khi đó, tín dụng các ngành rủi ro được kiểm soát chặt. Trong điều hành tỷ giá và ngoại hối, hiện tổng dự trữ ngọai hối đạt gần 52 tỷ USD; trong đó, năm 2017 đã mua vào tăng 13 tỷ USD, đây là mức kỷ lục.
“Việc kiểm soát ngoại tệ ổn định có ý nghĩa lớn, tạo lòng tin cho doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong năm qua, hệ thống ngân hàng đã quyết liệt đẩy nhanh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, tích cực triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp. Điều này đã góp phần hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Về kế hoạch năm 2018, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, đây sẽ năm đặc biệt quan trọng với ngành ngân hàng khi triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo, hỗ trợ tối đa các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, thu hồi nợ, cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo đề án đã được Chính phủ thông qua.
Đồng thời, thực hiện chuyển đổi mô hình quản trị các tổ chức tín dụng phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo an ninh an toàn hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành tiền tệ chủ động, đảm bảo cân đối vĩ mô đạt chỉ tiêu đề ra, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh cho vay ưu đãi các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; trong đó ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao…
Dưới góc độ địa phương, nhiều đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, đồng thời đề xuất các giải pháp cho địa phương.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống kiến nghị Chính phủ quan tâm, xem xét sớm hoàn thiện và ban hành Nghị định, quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực cần thiết cho Cần Thơ phát triển theo tinh thần Kết luận 07-KL/TW ngày 28-9-2016 của Bộ Chính trị.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo với các giải pháp khả thi đảm bảo hoàn thành đúng dự kiến về thời gian đối với tuyến đường cao tốc Trung Lương-Cần Thơ, thông xe trước năm 2020, giúp đấu nối thành phố Cần Thơ với TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển, thu hút đầu tư và phát triển giao thương.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Quảng Ninh được chấp thuận chủ trương dự án đầu tư nhóm A thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tỉnh sẽ đưa ra HĐND tỉnh xem xét, quyết định chủ trương đầu tư; các bộ, ngành Trung ương thực hiện kiểm tra, giám sát tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho ngành than trong tiêu thụ sản phẩm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời mong muốn Chính phủ sớm thẩm định Đề án Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn để Quốc hội xem xét việc thành lập tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV cùng Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Về chuẩn bị triển khai kế hoạch năm 2018, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, ngay sau khi Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh được ban hành, Thành ủy, HĐND thành phố cũng ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị liên quan ban hành kế hoạch triển khai thực hiện ngay từ quý I/2018.
Tuy vậy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ thành phố hoàn chỉnh, thẩm định các đề án thuộc thẩm quyền của Trung ương theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh để đảm bảo thông qua trong năm 2018, bắt đầu triển khai năm 2019.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh một số nghị định theo hướng tiếp tục phân cấp mạnh mẽ cho thành phố trên một số lĩnh vực.
Kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện Nghị quyết nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
“Ngay đầu tháng 1, Văn phòng Chính phủ phải trình Thủ tướng Nghị quyết 01 này để các ngành, địa phương bám vào triển khai ngay ngày đầu tháng 1-2018”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.