Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới: Sức khỏe là vấn đề chính trị quan trọng

Thùy Dương| 22/10/2022 07:15

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới (WHS) vừa kết thúc tại thủ đô Berlin của Đức. Đây là lần đầu tiên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng đăng cai tổ chức Hội nghị Y tế toàn cầu. Hội nghị năm nay đã đặt sức khỏe toàn cầu như một vấn đề chính trị quan trọng và thúc đẩy các cuộc thảo luận theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới năm 2022 tổ chức tại Berlin (Đức).

Sau hai năm đại dịch Covid-19, năm nay là năm đầu tiên sự kiện y tế thường niên diễn ra trực tiếp với sự tham dự của đại diện đến từ trên 100 quốc gia, 300 diễn giả và hơn 6.000 khách mời thuộc nhiều lĩnh vực liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Với hơn 60 phiên họp và thảo luận diễn ra từ ngày 16 đến 18-10, hội nghị tập trung vào các chủ đề chính như: Đầu tư cho sức khỏe và tinh thần; biến đổi khí hậu và sức khỏe hành tinh; chuẩn bị để đối phó với đại dịch; xóa bỏ bệnh bại liệt; chuyển đổi số; hệ thống thực phẩm đối với sức khỏe; khả năng phục hồi và công bằng của hệ thống y tế và sức khỏe toàn cầu vì hòa bình.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 đã phơi bày, khai thác và làm trầm trọng thêm cấu trúc y tế toàn cầu. Theo Tổng Giám đốc WHO, để thực hiện chủ đề “nâng sức khỏe toàn cầu lên một tầm cao mới” trong năm tới có ba ưu tiên chính. Thứ nhất, thỏa thuận đại dịch mới đang được các quốc gia đàm phán là chìa khóa quan trọng để thế giới có thể thực sự xích lại gần nhau khi đối mặt với các đại dịch tiếp theo. Thứ hai, cần có một “kiến trúc toàn cầu” mới “gắn kết và bao trùm”. Thứ ba, phải thực hiện một cách tiếp cận toàn cầu mới, trong đó ưu tiên tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật, chứ không chỉ điều trị người bệnh.

Thông qua các chủ đề thảo luận, Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới năm 2022 kêu gọi sự tham gia của tất cả các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu và những bên liên quan nhằm xây dựng lộ trình cho một tương lai khỏe mạnh và bình đẳng hơn. Kết thúc hội nghị, nhiều quốc gia đã thực hiện cam kết trị giá 2,6 tỷ USD nhằm cố gắng loại trừ bệnh bại liệt một lần nữa, sau khi dịch bệnh này đang có dấu hiệu trở lại. Năm nay, giới chức y tế phát hiện bệnh bại liệt lây lan trong số những người không được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng ở Mỹ, Israel và Vương quốc Anh. Thực tế này cho thấy, nếu bệnh bại liệt không được chấm dứt “ở khắp mọi nơi, nó có thể bùng phát trở lại trên toàn cầu”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một tuyên bố. Chiến lược 5 năm của chương trình xóa sổ vi rút bại liệt cần 4,8 tỷ USD để tiếp cận 370 triệu trẻ em hằng năm với vắc xin bại liệt và các dịch vụ y tế thiết yếu khác cho đến năm 2026. Số tiền 2,6 tỷ USD từ các quốc gia bao gồm Mỹ, Australia, Pháp, Đức và Nhật Bản - sẽ được thông qua Sáng kiến xóa bỏ bại liệt toàn cầu và cũng sẽ được sử dụng để ngăn chặn sự bùng phát của các biến thể mới của vi rút.

Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn khủng khiếp vào các dịch vụ y tế trên toàn thế giới, đồng thời làm chậm đến hai thập kỷ của tiến trình bao phủ sức khỏe toàn dân. Do đó, trong một phát biểu qua video gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới ở Berlin, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới ưu tiên chăm sóc sức khỏe, thực hiện “cam kết chính trị bền vững” để các quốc gia có thể chuẩn bị tốt hơn trước những cú sốc trong tương lai. Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, “các nước giàu hơn và các tổ chức tài chính quốc tế cần hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện những khoản đầu tư quan trọng này”. Mỗi người dân có sức khỏe tốt sẽ là nền tảng cho một xã hội hòa bình và ổn định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới: Sức khỏe là vấn đề chính trị quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.