(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 14 của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) vừa diễn ra tại Saudi Arabia vào cuối tuần qua với sự tham dự của lãnh đạo hơn 50 quốc gia thành viên.
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 14 của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) vừa diễn ra với chủ đề “Chung tay hướng tới tương lai”. |
OIC là tổ chức quốc tế được thành lập vào năm 1969, có phái đoàn thường trực tại Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU). Các hoạt động của OIC nhằm duy trì và bảo vệ lợi ích của thế giới Hồi giáo trên nền tảng xúc tiến hòa bình và hài hòa quốc tế. Với chủ đề “Chung tay hướng tới tương lai”, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 14 của OIC là cuộc gặp cuối cùng của lãnh đạo các nước Arab và Hồi giáo trong chuỗi 3 sự kiện diễn ra tại thánh địa Mecca.
Trước đó, cũng theo lời mời của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud, các hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab (AL) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng đã được tổ chức trong hai ngày 30 và 31-5.
Những hội nghị này diễn ra liên tiếp ngay trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, giữa lúc tình hình Trung Đông đang nóng lên từng ngày với những bất đồng về lãnh thổ, tôn giáo và an ninh. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang kể từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Tehran và nhóm P5 1, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh giữa Qatar và một số nước láng giềng trong suốt hai năm qua vẫn chưa có triển vọng giải quyết.
Cùng với đó là các cuộc xung đột tàn phá Yemen, Syria, Libya và Iraq. Lịch sử căng thẳng Israel - Palestine tiếp tục nối dài khi Washington khởi động một phần Kế hoạch hòa bình Trung Đông với việc sẽ tổ chức hội thảo “Từ hòa bình tới thịnh vượng” tại Bahrain trong tháng 6 này.
Cũng giống như hai hội nghị diễn ra trước đó, cuộc họp của các nhà lãnh đạo OIC không nằm ngoài mục tiêu tìm kiếm biện pháp đối phó với các mối đe dọa và hành động vì tương lai của các nước Arab và Hồi giáo. Đáng chú ý, các cuộc họp tại Mecca có sự tham gia của Thủ tướng Qatar Abdullah bin Nasser Al Thani. Đây là nhà lãnh đạo đầu tiên của nước này tới Saudi Arabia kể từ khi các quốc gia vùng Vịnh cắt đứt quan hệ với Doha hồi tháng 6-2017.
Tuy vậy, dù là thành viên của OIC, Iran lại đưa ra cáo buộc Saudi Arabia gây chia rẽ giữa các nước Hồi giáo. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Moussavi cho rằng, các cuộc họp này cho thấy ý định rõ ràng của Riyadh là huy động các nước láng giềng Arab chống lại Tehran.
Kết thúc hội nghị, Tuyên bố Mecca gồm 12 điểm mà các nước phải tuân thủ và duy trì đã được đưa ra, trong đó cam kết hỗ trợ OIC đạt được mục tiêu hướng tới tầm nhìn mới của thế giới Hồi giáo. Tuyên bố cũng lên án các hình thức phân biệt đối xử về tôn giáo, màu da hay tín ngưỡng, kêu gọi xóa bỏ sự suy diễn liên kết Hồi giáo với khủng bố, đồng thời yêu cầu Liên hợp quốc chọn một ngày là Ngày chống phân biệt tôn giáo.
Đặc biệt, Tuyên bố lên án động thái chuyển các đại sứ quán của Mỹ và Guatemala đến Jerusalem với việc công nhận bất hợp pháp Jerusalem là thủ đô của Israel; bác bỏ và lên án quyết định của Mỹ về sáp nhập cao nguyên Golan vào lãnh thổ Israel. Các quốc gia lên án chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức; lên án các cuộc tấn công khủng bố vào các tàu chở dầu của Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Theo các nhà phân tích, những mâu thuẫn tại Trung Đông và vùng Vịnh không dễ gì giải quyết thông qua một vài hội nghị. Tuy nhiên, sự kiện trên là cơ hội để các bên xích lại gần nhau, thẳng thắn trao đổi để kiến tạo hòa bình tại điểm nóng xung đột này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.