Ngày 21-9, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 của nhóm Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản đã diễn ra tại thành phố Wilmington, bang Delaware (Mỹ) với chương trình nghị sự tập trung vào nội dung tăng cường hội tụ chiến lược giữa các nước thành viên, thúc đẩy tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như mang lại lợi ích cụ thể cho các đối tác trong khu vực.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Joe Biden đón tiếp các lãnh đạo nước ngoài - Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio - tại thành phố Wilmington, nơi có nhà riêng của ông. Điều này thể hiện mối quan hệ chặt chẽ của người đứng đầu nước Mỹ với các nhà lãnh đạo nhóm Quad và tầm quan trọng chiến lược của các quốc gia đồng minh.
Đối với Mỹ, Hội nghị Thượng đỉnh lần này sẽ là cơ hội để nhắc lại ưu tiên chiến lược mà Washington dành cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bất chấp các cuộc khủng hoảng kéo dài trong 4 năm qua, từ việc rút quân khỏi Afghanistan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, xung đột Israel - Hamas đang diễn ra ở Dải Gaza đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình hiện thực hóa các tham vọng của Nhà Trắng dành cho khu vực này.
Theo Tiến sĩ Mira Rapp-Hooper, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng chịu trách nhiệm về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong những năm qua, Tổng thống Joe Biden đã ưu tiên đầu tư vào việc xây dựng lại mạng lưới liên minh và quan hệ đối tác trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông không chỉ củng cố các mối quan hệ hiện có mà còn xây dựng các liên kết hoàn toàn mới như liên minh quân sự ba bên Mỹ - Australia - Anh (AUKUS), tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ba bên đầu tiên hệ đối tác như AUKUS, Hội nghị Thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc, Hội nghị Thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa Mỹ - Nhật Bản - Philippines.
Bằng cách tập hợp các quốc gia hàng hải hàng đầu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với các ưu tiên chung, lợi ích an ninh chung và mối quan hệ hữu nghị chặt chẽ, những năm gần đây, Quad đã đạt được mức độ liên kết chiến lược chưa từng có và đang mang lại những lợi ích cụ thể cho các thành viên. Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo 4 quốc gia mong muốn khẳng định, Quad không chỉ là ý tưởng của một chính quyền hay quốc gia riêng rẽ mà là sáng kiến được thiết kế để tồn tại lâu dài cùng với các thể chế rõ ràng.
Vì thế, hội nghị lần này dự kiến đưa ra những thông báo đầy tham vọng trong các lĩnh vực ưu tiên bao gồm an ninh y tế, ứng phó thảm họa và nhân đạo, an ninh hàng hải, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đầu tư phát triển công nghệ quan trọng và mới nổi, chống biến đổi khí hậu và năng lượng sạch, an ninh mạng… Một trong những thỏa thuận đáng chú ý là việc triển khai sáng kiến tuần tra hàng hải chung và sứ mệnh đầu tiên sẽ được bắt đầu vào năm tới. Lực lượng bảo vệ bờ biển các nước Nhật Bản, Australia và Ấn Độ với tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ sẽ liên tục thực hiện tuần tra theo cơ chế luân phiên. Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh sẽ có những cam kết liên quan tới tăng cường mạng lưới viễn thông khu vực.
Một số nhà bình luận nhận định, với những lợi thế bổ sung cho nhau, một trong những mục tiêu chính hợp tác của nhóm Bộ tứ là xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng và bền vững, bởi đó là nền tảng của an ninh công nghệ và năng lượng quốc gia. Có 4 lĩnh vực hợp tác chủ yếu trong thời gian tới mà nhóm này hướng đến là: Chia sẻ tài nguyên và thăm dò chung; hợp tác nghiên cứu và phát triển; khai thác, chế biến và tái chế; đồng tài trợ cho các cơ sở chế biến và phát triển kho dự trữ khoáng sản chiến lược.
Thời gian qua, theo mô hình “trục bánh xe và nan hoa”, Washington đã thành công khi xây dựng liên minh song phương với nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái lan, Philippines để bảo đảm căn cứ, cũng như sự hiện diện của Mỹ tại khu vực. Tuy nhiên, với mức độ cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng gia tăng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mô hình “trục bánh xe và nan hoa” cần có sự điều chỉnh. Theo đó, các “nan hoa” cần phải gắn kết lại thành một mạng lưới tập thể, để cùng hành động một cách nhanh chóng. Vì thế, từ hợp tác song phương, Mỹ chuyển hướng sang đa phương nhiều hơn và từng bước thể chế hóa các liên minh đa phương nhưng theo cơ chế hẹp. Nhóm Bộ tứ được xem là một ví dụ thành công trên con đường thể chế hóa các liên minh đa phương của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.