Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị giao thương hợp tác kinh tế, thương mại Trung Quốc (Quảng Tây) - Việt Nam

Lam Giang| 12/01/2023 14:13

(HNMO) - Sáng 12-1, tại Hà Nội, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương Việt Nam) và đoàn đại biểu kinh tế, thương mại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã tổ chức “Hội nghị giao thương hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc (Quảng Tây) - Việt Nam”.

Doanh nghiệp hai bên ký kết các thỏa thuận hợp tác. Ảnh: V.H

Hội nghị có sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp từ Quảng Tây (Trung Quốc) và Việt Nam kinh doanh các lĩnh vực, như: Xây dựng và quản lý khu công nghiệp, sản xuất máy móc công trình, sản xuất và kinh doanh ô tô, xuất nhập khẩu nông sản…

Phát biểu tại hội nghị, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương)  đánh giá, đây là hoạt động trực tiếp đầu tiên cấp địa phương của Trung Quốc được tổ chức tại Việt Nam, kể từ khi Trung Quốc nới lỏng các quy định phòng, chống dịch Covid-19 (hôm 8-1), cho thấy sự coi trọng của chính quyền, các cơ quan liên quan, doanh nghiệp Quảng Tây đối với hoạt động kinh tế thương mại đối với Việt Nam.

Theo thống kê của Hải quan Nam Ninh, Trung Quốc, kim ngạch xuất, nhập khẩu trong 11 tháng năm 2022 giữa Quảng Tây và Việt Nam đạt 172,65 tỷ nhân dân tệ, tương đương 25,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Quảng Tây với thế giới.

Tuy nhiên, ông Tô Ngọc Sơn cho rằng, hoạt động trao đổi hàng hóa giữa hai nước cũng gặp không ít những khó khăn. Cụ thể, trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam với Trung Quốc thông qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn sụt giảm tới 39,4% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất nhập khẩu thông qua các cửa khẩu tại Quảng Ninh giảm 68,7% so với cùng kỳ.

Do đó, ông Tô Ngọc Sơn kiến nghị, Sở Thương mại Quảng Tây phối hợp với các cơ quan liên quan của phía Quảng Tây sớm hoàn thiện quy trình, quy định đối với người và hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan, khôi phục trạng thái thông quan như trước khi dịch Covid-19.

“Tết cổ truyền của hai nước đang đến rất gần, nhu cầu hàng hóa cũng tăng lên nhanh chóng. Hiện nay, lượng hàng hóa được vận chuyển tới các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất lớn. Vì vậy, tôi đề nghị các doanh nghiệp tích cực phân luồng hàng hóa, nghiên cứu thống nhất phương thức giao nhận qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và Cao Bằng, nhằm giảm thiểu rủi ro ùn tắc hàng hóa kéo dài như cuối năm 2021”, ông Tô Ngọc Sơn nói.

​ Phương tiện nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: Internet

Ông Điêu Vệ Hồng, Phó Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc) nhấn mạnh, Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Quảng Tây trên thế giới trong 23 năm liên tục. Hiện, Quảng Tây đã ghi nhận và phê duyệt tổng số 181 doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam (loại hình phi tài chính), tổng số tiền đầu tư theo cam kết của Trung Quốc là 1,26 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực tế là 140 triệu USD.

Các doanh nghiệp Quảng Tây ký kết hợp đồng công trình với doanh thu hoàn thành lũy kế là 1,09 tỷ USD; Việt Nam đã thành lập tổng cộng 57 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Quảng Tây, tổng vốn đầu tư nước ngoài theo hợp đồng là 184 triệu USD. Với việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hợp tác kinh tế thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, kim ngạch thương mại sẽ được mở rộng hơn nữa, mang lại cơ hội hợp tác tốt hơn cho doanh nghiệp hai bên.

Trong khuôn khổ hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên. Cụ thể, đã có 8 hạng mục hợp tác kinh tế thương mại được xác nhận, giá trị các hợp đồng thương mại đạt khoảng 900 triệu nhân dân tệ.

Cũng tại hội nghị, các doanh nghiệp hai bên đã có phiên giao thương trực tiếp nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa, tiềm năng thị trường, từ đó thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị giao thương hợp tác kinh tế, thương mại Trung Quốc (Quảng Tây) - Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.