Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23 chú trọng bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển khu vực

Theo TTXVN| 10/10/2013 06:22

Sáng 9-10, tại Brunei đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23, mở đầu cho một loạt các hội nghị cấp cao của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Liên hợp quốc, Cấp cao ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS) diễn ra trong hai ngày 9 và 10-10.


Các Trưởng đoàn chụp ảnh chung. Ảnh: Đức tám - TTXVN


Hội nghị Cấp cao ASEAN-23 tập trung thảo luận các biện pháp nhằm đạt mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và định hướng phát triển của Hiệp hội sau năm 2015; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình; và trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm... Tại hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN đánh giá cao các kết quả đạt được trong triển khai các Kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội trong năm qua, trong đó trụ cột kinh tế hiện dẫn đầu với khoảng 80% các biện pháp đã hoàn thành. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục nỗ lực và tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả các kế hoạch và chương trình hợp tác của ASEAN trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, xây dựng một Cộng đồng hướng tới người dân; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan ở cả cấp độ quốc gia và khu vực nhằm bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất các chỉ tiêu đặt ra trong tiến trình xây dựng cộng đồng; đồng thời, đẩy mạnh liên kết và kết nối ASEAN, coi đây là cơ sở để từng bước mở rộng liên kết và kết nối ra khu vực Đông Á. Theo đó, ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, phát huy tiếng nói và đóng góp trên những vấn đề quan trọng của khu vực; tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử và phát huy giá trị của các công cụ và cơ chế hợp tác về chính trị - an ninh ở khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở khu vực Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Cấp cao Đông Á (EAS)... Đồng thời, ASEAN cần đóng vai trò hạt nhân và thúc đẩy mở rộng liên kết và kết nối ra toàn khu vực Đông Á, thông qua các sáng kiến như Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Kết nối ASEAN+3 và Kết nối Đông Á; đi đôi với việc tiếp tục mở rộng hợp tác với các đối tác và tăng cường nỗ lực ứng phó với các thách thức đang đặt ra, trong đó có các thách thức an ninh phi truyền thống như quản lý thiên tai, an ninh biển, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và lương thực...

Về Biển Đông, các nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, nhấn mạnh việc nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc nêu trong Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông của ASEAN, DOC và Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS). Hoan nghênh việc ASEAN - Trung Quốc tham vấn chính thức lần đầu tiên ở cấp Quan chức cao cấp (SOM) về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) như là bước khởi đầu quan trọng, các nhà lãnh đạo đề nghị ASEAN và Trung Quốc cần dành quan tâm và nỗ lực để đạt được tiến bộ thực chất và sớm đạt được COC nhằm bảo đảm tốt hơn cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông; nhất trí thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến về lập đường dây nóng, tìm kiếm và cứu trợ, hỗ trợ nhân đạo đối với người và tàu thuyền gặp nạn trên biển…

Về định hướng phát triển tương lai của ASEAN, các nhà lãnh đạo đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng một Tầm nhìn mang tính chiến lược nhằm đưa ASEAN tiếp tục phát triển vững mạnh và phát huy vai trò chủ đạo trong những thập kỷ tiếp sau 2015. Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua một Tuyên bố về quyết tâm xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 và giao cho các Bộ trưởng Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) xây dựng các nội hàm chính của Tầm nhìn để trình Hội nghị Cấp cao ASEAN trong năm 2014.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật các nhiệm vụ nhằm xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, liên kết, vững mạnh và phát huy vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực. Thủ tướng đánh giá cao vai trò và đóng góp của Brunei với vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2013.

Trao đổi về các vấn đề khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng vũ lực; tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và thúc đẩy xây dựng COC. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh kết quả cuộc Tham vấn chính thức lần đầu tiên ASEAN - Trung Quốc về COC, đồng thời đề nghị ASEAN và Trung Quốc nỗ lực để thúc đẩy thương lượng thực chất và sớm đạt được COC mang tính tổng thể và có giá trị ràng buộc nhằm bảo đảm tốt hơn cho hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; mặt khác, đề nghị các nước xem xét và triển khai một số sáng kiến đã được đề xuất như tìm kiếm cứu hộ, lập đường dây nóng, hỗ trợ nhân đạo người và tàu thuyền gặp nạn trên biển, cũng như những hoạt động xây dựng lòng tin khác. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao nỗ lực và đóng góp của Thái Lan với tư cách nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc.

Kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23, các nhà lãnh đạo thông qua nhiều Tuyên bố quan trọng, trong đó có các Tuyên bố nhằm thúc đẩy hợp tác về an sinh xã hội, doanh nghiệp trẻ, phòng chống thiên tai, phòng chống các bệnh không lây nhiễm…

* Trưa 9-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 16. Các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao sự ủng hộ của Nhật Bản trong các nỗ lực và chủ trương của ASEAN bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông và khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Nhật Bản vì thịnh vượng chung và Kế hoạch Hành động ASEAN - Nhật Bản 2011-2015. Hai bên cần dành tập trung ưu tiên cho tăng cường liên kết kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển, đẩy mạnh hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực và hợp tác tiểu vùng Mê Công. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi các dòng thương mại và đầu tư hai bên vào năm 2022, đồng thời đẩy mạnh kết nối khu vực, đặc biệt về cơ sở hạ tầng, giao lưu nhân dân và thu hẹp khoảng cách phát triển. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Nhật Bản vào tháng 12 tới tại Tokyo nhằm thảo luận những biện pháp và định hướng mới đưa quan hệ đối tác chiến lược hai bên lên tầm cao mới, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của hai bên và cả khu vực.

* Chiều 9-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 16.

Lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã tập trung kiểm điểm và đề xuất định hướng thúc đẩy hợp tác, đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trong trao đổi, phía Trung Quốc nhấn mạnh coi trọng quan hệ hợp tác với ASEAN, ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng và đóng vai trò chủ đạo trong cấu trúc khu vực, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức đang đặt ra.

ASEAN và Trung Quốc khẳng định tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết nêu trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố Cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC, nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực và Biển Đông. Hội nghị hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc khởi động tham vấn chính thức ở cấp Hội nghị quan chức cao cấp (SOM) về bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) tháng 9-2013 tại Trung Quốc, và khẳng định hai bên cần thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực hướng tới COC. Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN - Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam và các nước ASEAN đánh giá cao chính sách nhất quán của Trung Quốc xây dựng láng giềng tốt đẹp và quan hệ hữu nghị với ASEAN, coi ASEAN là ưu tiên trong chính sách đối ngoại; hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, triển khai liên kết, kết nối, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ASEAN và Trung Quốc chia sẻ nguyện vọng và lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình và ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ DOC và sớm tiến tới COC. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "ASEAN coi trọng và cho rằng việc sớm xây dựng COC mang tính tổng thể và ràng buộc sẽ đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm tốt hơn hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực".

* Chiều 9-10, tại Brunei, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN cùng Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và mong Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ ASEAN trong nỗ lực thúc đẩy thực hiện nghiêm túc Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như các cam kết đã có trong các văn kiện như Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC, để sớm đi vào đàm phán chính thức và thực chất nhằm sớm đạt được bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

* Cùng ngày tại Brunei, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 16.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Để đưa quan hệ hai bên tiếp tục phát triển vững chắc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động giai đoạn 2011-2015 thực hiện Tuyên bố Đối tác chiến lược ASEAN - Hàn Quốc, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước và đặc biệt là hợp tác chính trị an ninh bao gồm an ninh hàng hải, an ninh phi truyền thống, an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị hai bên tăng cường liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, thông qua thực hiện và khai thác tối đa các cơ hội của Hiệp định Mậu dịch Tự do ASEAN - Hàn Quốc, nâng cấp và mở rộng Hiệp định thương mại hàng hóa, và cùng các đối tác khác thúc đẩy đàm phán Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị hợp tác tăng cường năng lực khu vực đối phó với biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, trong đó có việc thúc đẩy xây dựng một xã hội thải ít carbon, chú trọng phát triển xanh...

* Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 23, ngày 9-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Tổng thống Myanmar Thein Sein, trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Thein Sein đã đánh giá cao việc ký Hiệp định miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông, tạo bước tiến nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hai nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23 chú trọng bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển khu vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.