(HNMO) - Hội nghị ASEAN về 5G là một trong các sáng kiến của Việt Nam nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G.
Hội nghị ASEAN về 5G là một trong những sáng kiến của Việt Nam nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G. Đây là hội nghị đầu tiên của ASEAN về phát triển mạng 5G.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc. Ảnh: Mạnh Hưng |
Với chủ đề "5G và kỷ nguyên số - 5G and the Digital Era", trong hai ngày, các nhà quản lý, chuyên gia công nghệ sẽ thảo luận sâu từng chuyên đề về chính sách quản lý, chiến lược phát triển di động băng rộng và lộ trình triển khai 5G, gồm công nghệ, chia sẻ và dùng chung cơ sở hạ tầng, tần số, tiêu chuẩn, an toàn thông tin, ứng dụng và các mô hình kinh doanh dịch vụ 5G. Đồng thời, những khó khăn, thách thức của ASEAN sẽ phải đối mặt và cần phối hợp khi triển khai xây dựng hệ sinh thái cho mạng 5G cũng được đưa ra thảo luận.
Tại hội nghị cũng có diễn đàn mở để các chuyên gia, đại biểu trong và ngoài nước thảo luận về vai trò 5G và chuyển đổi số; các cơ hội, tiềm năng từ 5G, ứng dụng của 5G trong các lĩnh vực kinh tế số, xã hội số và chính phủ số; các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, sản xuất và đô thị thông minh sẽ được giới thiệu tại đây.
Phát biểu tại phiên khai mạc ngày 21-3, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của việc phát triển mạng 5G. Theo Bộ trưởng, nền kinh tế số, với những mô hình và phương thức kinh doanh mới đang tạo ra những cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp. Các công nghệ mới đột phá sẽ cho phép các chuỗi cung ứng được kết nối tốt hơn và phân phối hiệu quả hơn, đồng thời giảm chi phí hậu cần và giao dịch, thông qua trao đổi trực tuyến sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh.
Công nghệ 5G sẽ là trụ cột, là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số. 5G với những tính năng vượt trội như: Băng rộng, tốc độ rất cao, mật độ kết nối truyền thông không dây rất cao, độ trễ thấp, đáp ứng nhanh... Đây là những nhân tố đóng vai trò nền tảng quan trọng trong nền kinh tế số.
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Mạnh Hưng |
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với chủ trương khi thế giới triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G. Ngay từ đầu năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã triển khai cấp phép tần số cho các doanh nghiệp để triển khai thử nghiệm 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việt Nam hiện đang tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất các thiết bị IoT, thiết bị viễn thông, chipset 5G, camera giám sát...
"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nước trong ASEAN để thành lập liên doanh và các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin. Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng mở và chia sẻ tất cả các bí quyết công nghệ với các quốc gia khác để tất cả các thành viên ASEAN có thể làm chủ các thiết bị đảm bảo an ninh quốc gia" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị mỗi nước ASEAN cần tích cực chủ trì triển khai một sáng kiến phù hợp và chia sẻ với các nước khác, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và phát huy được thế mạnh chung của khu vực. Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực, phối hợp và hỗ trợ các nước ASEAN về các nội dung, lĩnh vực liên quan đến triển khai mạng 5G.
Được biết, trong chương trình diễn ra ngày 22-3, ở phần hội thảo sẽ có một phiên báo cáo về lộ trình phát triển 5G tại Việt Nam và khu vực; 2 phiên chuyên đề, trong đó, phiên tập trung vào "Công nghệ 5G và cơ hội phát triển đột phá của các ngành nghề, lĩnh vực trọng yếu quốc gia", một phiên có chủ đề "Công nghệ 5G và cơ hội xây dựng, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới". Dự kiến, có hơn 500 khách mời tham dự sự kiện này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.