Thế giới

Hội nghị an ninh Munich bị phủ bóng bởi nhiều cuộc xung đột toàn cầu

Quỳnh Dương 15/02/2025 06:00

Các cuộc xung đột ở Ukraine, Trung Đông, Sudan và Congo là những vấn đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 61, cùng với những căng thẳng đang âm ỉ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

20250214_234333.jpg
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MSC.

Đêm 14-2 (giờ Việt Nam), Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61 (MSC) đã khai mạc tại khách sạn Bayerischer Hof ở Munich (Đức). Hơn 60 nhà lãnh đạo, bao gồm nguyên thủ nhiều quốc gia, cùng hơn 150 bộ trưởng, đại biểu quốc tế đã tham dự hội nghị.

Chủ tịch MSC Christoph Heusgen đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp toàn cầu và đối thoại để giải quyết các mối đe dọa an ninh trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, mạng và trí tuệ nhân tạo để đạt được sự ổn định.

"Chúng ta cần đối thoại hơn bao giờ hết", ông Christoph Heusgen nói, đồng thời nhấn mạnh đến số lượng kỷ lục các cuộc xung đột đang diễn ra, bao gồm cả xung đột ở Ukraine và Sudan.

Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tái khẳng định cam kết của Đức đối với các chính sách đối ngoại và an ninh đa phương, đồng thời bày tỏ lo ngại về những thay đổi về quan hệ quốc tế trong bốn năm tới. Ông lưu ý rằng, chính quyền mới của Mỹ có thể thay đổi các quy tắc, quan hệ đối tác và lòng tin đã được thiết lập.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo rằng, việc ép Ukraine vào một thỏa thuận tồi để chấm dứt chiến tranh với Nga sẽ gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ. "Một Ukraine thất bại sẽ làm suy yếu châu Âu, nhưng cũng sẽ làm suy yếu Mỹ", bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến các nước đồng minh châu Âu ngạc nhiên khi gọi điện cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin về việc chấm dứt xung đột mà không tham khảo ý kiến ​​của các nhà lãnh đạo cựu lục địa hoặc Ukraine trước.

Khách sạn Bayerischer Hof là nơi Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61 diễn ra. Ảnh:Euractiv
Khách sạn Bayerischer Hof là nơi Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61 diễn ra. Ảnh: Euractiv

Bà Von der Leyen thúc giục ông Donald Trump cùng hợp tác vì một "nền hòa bình công bằng". Bà cũng cho biết Liên minh châu Âu (EU) cần tăng mạnh chi tiêu quốc phòng và đề xuất nới lỏng các quy tắc nợ nghiêm ngặt của khối như một cách để có thể thực hiện được sự gia tăng này.

Các thành viên EU có nghĩa vụ phải duy trì thâm hụt ngân sách dưới 3% và tỷ lệ nợ dưới 60%. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã kêu gọi châu Âu hành động nhiều hơn nữa để hạn chế tình trạng di cư bất hợp pháp, gọi đây là thách thức "cấp bách nhất" của châu lục này. Ông cũng đề nghị các quốc gia ở châu Âu tự chịu trách nhiệm về quốc phòng của mình để Washington có thể tập trung vào các mối đe dọa ở nơi khác.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã trực tiếp đề cập đến mối quan hệ mong manh của nước này với Mỹ, vốn đã trở nên căng thẳng hơn kể từ lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump vào tháng trước. Ông Vương Nghị nhấn mạnh, những thách thức toàn cầu đòi hỏi hai nước phải hợp tác với nhau, cho biết chính sách của Bắc Kinh đối với Mỹ là "nhất quán và ổn định", nhưng tuyên bố sẽ "kiên quyết đáp trả các hành vi bắt nạt đơn phương".

Một báo cáo được công bố trước MSC, có tựa đề Đa cực hóa, đã nêu bật sự chuyển đổi đang diễn ra của hệ thống quốc tế thành một thế giới đa cực hơn - một sự thay đổi mang đến cả những hứa hẹn và thách thức. Báo cáo cũng cảnh báo rằng sự chia rẽ ngày càng tăng và nguy cơ rối loạn có thể làm suy yếu những nỗ lực chung nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu và các mối đe dọa an ninh. Báo cáo xác định các quốc gia Nam bán cầu là những động lực tiềm năng trong việc định hình một trật tự đa cực toàn diện hơn. Theo ban tổ chức MSC, hơn 30% diễn giả tại hội nghị năm nay sẽ đại diện cho các quốc gia này, đảm bảo tiếng nói của họ được lắng nghe trong các cuộc thảo luận về trật tự đa cực đang phát triển.

Sau phát biểu khai mạc, các nhà lãnh đạo và đại biểu thảo luận về những thách thức đối với an ninh toàn cầu, bao gồm lĩnh vực quản trị, khả năng phục hồi của nền dân chủ, an ninh khí hậu và nhiều chủ đề khác.

Ngày 15-2, các cuộc tranh luận sẽ tập trung vào tình hình trật tự quốc tế cũng như các cuộc xung đột và khủng hoảng khu vực. Tương lai của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương cũng sẽ là trọng tâm của ngày thứ hai của hội nghị. Vào ngày cuối cùng, hội nghị sẽ kết thúc bằng các cuộc thảo luận về vai trò của châu Âu trên thế giới.

Hội nghị cũng sẽ chính thức công bố cựu Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg chính thức trở thành tân Chủ tịch MSC thay ông Christoph Heusgen.

Bên lề hội nghị, hàng loạt cuộc gặp mặt đáng chú ý thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới gồm cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và đặc phái viên Ukraine-Nga Keith Kellogg. Những cuộc thảo luận này được cho là sẽ định hình tương lai an ninh của châu Âu và vai trò của châu Âu trên trường quốc tế.

Đây là hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lớn đầu tiên có đại diện chính quyền Mỹ nhiệm kỳ mới tham dự. Nhiều nhà phân tích nhận định, hội nghị sẽ làm rõ quan điểm của Washington đối với cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong một động thái có liên quan, cùng ngày, theo thông tin từ hãng thông tấn TASS, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump thống nhất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh trước khi có các chuyến thăm chính thức tới nước của nhau.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance cảnh báo có thể trừng phạt Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý với thỏa thuận hòa bình với Ukraine.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth khẳng định, quân đội nước này sẽ không triển khai tới Ukraine và phủ nhận tư cách thành viên NATO đối với Kiev. Ông cũng nhận định rằng, hy vọng của Ukraine về việc quay trở lại biên giới trước năm 2014 với Nga là không thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị an ninh Munich bị phủ bóng bởi nhiều cuộc xung đột toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.