Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồi kết nhiều dang dở

Trung Hiếu| 23/04/2012 06:26

(HNM) - Tiến trình chuyển giao việc đảm trách an ninh cho chính quyền Afghanistan và rút lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khỏi đất nước này sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, kết thúc vào cuối năm 2014. Đó là nội dung chính được thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng của NATO, kết thúc cuối tuần qua tại Brussels, Bỉ.

Nền an ninh của Afghanistan sẽ vẫn khó khăn khi quân đội Mỹ và đồng minh NATO rút đi.

Đúng lịch trình, NATO sẽ chuyển giao quyền bảo đảm an ninh đất nước cho các lực lượng Afghanistan; đồng thời sẽ tiếp tục hợp tác và cung cấp tài chính cho lực lượng an ninh nước này sau khi rút quân. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhấn mạnh, các lực lượng an ninh Afghanistan hiện đã đảm nhiệm 28% các hoạt động đặc biệt, 42% hoạt động thông thường và thực hiện 85% nhiệm vụ huấn luyện. Với tốc độ này, việc chuyển giao sẽ được hoàn thành theo đúng kế hoạch. Dự kiến, sau năm 2014, NATO sẽ chỉ còn hiện diện tại Afghanistan với vai trò huấn luyện và trợ giúp các lực lượng an ninh Afghanistan.

Nếu nhìn vào những gì đang diễn ra, người ta có thể lạc quan về tương lai của quốc gia Nam Á này. Hồi kết của cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ và đồng minh NATO phát động nhằm lật đổ chế độ Taliban ở quốc gia này kéo dài hơn 11 năm qua (từ năm 2001) đang tới gần. Tuy nhiên, giới phân tích lại tỏ ra bi quan. Bởi ngay thời điểm diễn ra hội nghị do NATO tổ chức, ngày 21-4, tại thủ đô Kabul, lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ 5 phần tử nổi dậy, thu 10 tấn chất nổ mà chúng dự định sử dụng để tấn công khủng bố. Trước vụ việc này không lâu, tàn quân Taliban đã đồng loạt mở các vụ tấn công tại thủ đô Kabul và một số tỉnh trên cả nước. Theo đó, các tay súng Taliban đã tiến hành vụ tấn công đẫm máu, kéo dài hơn 18 giờ (từ trưa 15-4 tới rạng sáng 16-4), nhằm vào các quận trung tâm ở thủ đô Kabul, nơi đặt nhiều tòa nhà chính phủ, các đại sứ quán và căn cứ quân sự của Afghanistan lẫn NATO, cướp đi sinh mạng của 51 người và làm 65 người bị thương. Đây là một trong những cuộc tấn công lớn nhất xảy ra ở Kabul trong 10 năm qua, cho thấy mối đe dọa từ Taliban vẫn thật sự hiện hữu ở quốc gia Nam Á này. Vụ việc đã khiến Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, ngày 16-4, phải thốt lên rằng, chuỗi tấn công phối hợp quy mô lớn của Taliban đã "phơi bày thất bại" của ngành tình báo Afghanistan và đặc biệt là NATO...

Mặc dù giới chức phương Tây đưa ra bình luận, không nên xem cuộc tấn công đẫm máu của Taliban tại Kabul là dấu hiệu cho thấy tình trạng an ninh tại Afghanistan đang kém đi hay các phần tử nổi dậy đang tăng cường hoạt động; thế nhưng, những gì đang diễn ra đã không mang lại sự tin tưởng cho kết luận đó. Ngày 19-4, phiến quân Taliban đã lên án những bức ảnh binh sĩ Mỹ chụp cùng thi thể các tay súng của họ, gọi các bức ảnh này là "vô nhân tính" và thề sẽ trả thù. Trước đó, các phần tử này đã tuyên bố khởi động "chiến dịch mùa Xuân" và hàng loạt vụ tấn công vừa diễn ra chỉ là màn dạo đầu của chiến dịch...

Rõ ràng, bức tranh tương phản về tình hình an ninh ở Afghanistan đã không củng cố niềm lạc quan trong dư luận cho dù giới chức NATO có đưa ra nhận định tin tưởng về một tương lai ổn định tại đất nước này. Dẫu vậy, với giới chức phương Tây, đặc biệt là các quan chức Lầu Năm Góc, đó không phải là thực tế mà họ muốn tin. Bởi mục tiêu dựng một chính quyền thân Mỹ, tạo một chỗ đứng ở địa bàn trọng điểm trên bàn cờ quân sự thế giới với Nhà Trắng và NATO kể như đã hoàn tất. Mối quan tâm nhất của Mỹ và đồng minh giờ đây là kinh phí và cuộc lui quân sao cho hình ảnh của NATO không nhuốm màu thất bại. Theo tính toán của Mỹ, chi phí cần thiết khoảng từ 4 đến 6 tỷ USD mỗi năm, tùy thuộc vào quy mô của lực lượng. Washington hy vọng sẽ nhận được cam kết của các nước đồng minh trong khối NATO khoản tiền khoảng 1,3 tỷ USD/năm để giúp bổ sung cho nguồn quỹ từ Mỹ (dự kiến khoảng 2,3 tỷ USD) và từ Chính phủ Afghanistan, khi liên quân Mỹ - NATO cắt giảm lực lượng tại đây.

Như vậy, tín hiệu rút quân khỏi Afghanistan một lần nữa vừa được Mỹ và NATO phát đi từ Brussels dự báo một hồi kết đầy dang dở đã ở ngay phía trước với quốc gia sở tại. Trong sự dang dở đó, cái được nhất của Mỹ và NATO - sau cuộc chiến chống khủng bố kéo dài hơn 11 năm qua - là khối quân sự này và Mỹ đã đạt được tham vọng tạo ảnh hưởng bằng sự hiện diện có thật trên bàn cờ địa - chính trị khu vực mà Afghanistan là một địa chỉ không thể bỏ qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồi kết nhiều dang dở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.