(HNM) - Cuối cùng phiên tòa đình đám nhất Trung Quốc xét xử
Sự kiện ông chủ của tập đoàn bán lẻ điện tử khổng lồ Quốc Mỹ (Gome Electrical Appliances Holdings Ltd) phải ra trước vành móng ngựa đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp và dư luận Trung Quốc. Đây không chỉ là vụ án nghiêm trọng bậc nhất liên quan tới một doanh nhân ở quốc gia này mà còn bởi lẽ Hoàng Quang Dụ lâu nay luôn được ca tụng như một người đã làm nên điều thần kỳ trong giới thương gia Trung Quốc khi bước lên đỉnh cao của sự giàu có và danh vọng từ hai bàn tay trắng.
Sinh năm 1969 tại Sơn Đầu (Quảng Đông) trong một gia đình nông dân nghèo khó, Hoàng Quang Dụ khởi nghiệp từ năm 16 tuổi với số vốn chỉ khoảng 400 USD. Cậu thiếu niên quê mùa này chỉ đủ tiền thuê một sạp hàng nhỏ tại một khu chợ ở Bắc Kinh để bán đồ điện tử rẻ tiền. Bước khởi nghiệp đầy khó khăn kết hợp cùng vận may hiếm có trong thời điểm nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ đẩy nhu cầu tiêu thụ hàng điện tử của người dân tăng cao là tiền đề tạo nên Tập đoàn Quốc Mỹ sau này. Chiến lược luôn bán hàng thấp hơn đối thủ cạnh tranh đã làm cho Quốc Mỹ phất lên nhanh chóng với chuỗi 1.200 cửa hàng điện máy tại gần 200 thành phố ở Trung Quốc. Tháng 10-2008, thương gia chưa đầy 40 tuổi này được Tạp chí Hurun Report bình chọn là người giàu nhất Trung Quốc.
Tuy nhiên, con đường lập nghiệp từ nghèo khó của ông chủ trẻ họ Hoàng có lẽ sẽ mãi mãi được truyền tụng nếu như 1 tháng sau đó, ngày 19-11-2008, một thông tin gây chấn động không được đưa ra. Hoàng Quang Dụ bị cảnh sát Trung Quốc thẩm vấn do có dấu hiệu chỉ đạo anh trai điều tiết giá một số loại cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nhằm thu lợi và gây ra những bất ổn định cho thị trường cổ phiếu. Theo nhà chức trách, cổ phiếu của Công ty Dược và Thiết bị y tế SD Jintai mà anh trai của Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Quốc Mỹ lừng danh quản lý đã tăng giá gấp 8 lần chỉ riêng trong năm 2007. Sau nhiều đợt điều tra, đến ngày 2-3-2009, Hoàng Quang Dụ bị bắt. Trong thời gian bị bắt giam chờ điều tra về những mánh khóe trong việc thao túng giá cổ phiếu, nhà tỷ phú này đã từng có ý định tự sát song đã được các nhân viên cai ngục phát hiện kịp thời. Ba tháng sau, do liên quan đến tội danh mới là đưa hối lộ, hồ sơ vụ án đã bị trả về để điều tra bổ sung. "Vua bán lẻ" bị buộc tội hối lộ 5 quan chức chính phủ số tiền hơn 4,5 triệu NDT bằng tiền mặt và tài sản, để đổi lấy "những lợi ích bất hợp lý" cho Tập đoàn Quốc Mỹ và Công ty Phát triển bất động sản Beijing Pengrun do vợ của Hoàng Quang Dụ là Đỗ Quyên quản lý. Ngày 22-4, sau khi bị bắt giữ được 17 tháng, vụ án được đưa ra xét xử công khai tại thành phố Bắc Kinh.
Trong quá trình điều tra, các công tố viên thu thập được nhiều bằng chứng liên quan đến vụ án này đến mức có tới vài chiếc xe tải chở tang chứng, chủ yếu là giấy tờ, đến tòa án để phục vụ cho công tác xét xử. Trước đó, hồi năm 2006, tỷ phú này bị buộc tội đã thực hiện nhiều khoản vay bất hợp pháp nhưng các cáo buộc đã bị xóa bỏ vào tháng 1-2007.
Bản án mà Hoàng Quang Dụ bị tuyên phạt đã khiến câu chuyện cổ tích về một chàng trai nghèo trở thành người giàu nhất Trung Quốc khép lại với một kết cục không có hậu. Tuy nhiên, đường đời của doanh nhân này không chỉ là tấm gương về nỗ lực vươn lên mà còn là bài học cảnh báo các công ty tư nhân phải tuân thủ luật pháp trước khi hướng tới cái đích lợi nhuận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.