Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội đủ yếu tố trở thành di sản thế giới

Minh Ngọc| 20/02/2013 06:30

(HNM) - Quần thể di tích làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây (Hà Nội), đang được đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép lập hồ sơ ứng cử là Di sản văn hóa thế giới. Tại hội nghị


Xác thực, nguyên vẹn

Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL di tích làng cổ Đường Lâm, cho biết: "Đường Lâm hiện có hơn 50 di tích lịch sử, kiến trúc, văn hóa - nghệ thuật các loại, hàng chục lễ hội, 117 ngôi nhà cổ nằm trong diện cần được bảo tồn, trong đó có 37 nhà còn giữ được không gian truyền thống có niên đại từ 100 đến 300 năm. Không gian, cảnh quan, môi trường của làng đa dạng, phong phú gắn liền với sinh hoạt thường nhật của cộng đồng dân cư, hội đủ những đặc điểm tiêu biểu của nông thôn vùng châu thổ sông Hồng - nền văn minh nông nghiệp lúa nước”.

Một ngôi nhà cổ ở Đường Lâm.


Đường Lâm là di chỉ khảo cổ học với một số hiện vật đã được khai quật, là căn cứ để xác định cư dân Việt cổ sống trên mảnh đất này; là địa danh gắn với tên tuổi những vị anh hùng dân tộc, như: Ngô Quyền, Phùng Hưng, Giang Văn Minh… Trước khi làng cổ trở thành di tích quốc gia, nhiều công trình trong làng đã được xếp hạng di tích, như: Chùa Mía, đình Phùng Hưng, đền - lăng Ngô Quyền, đình Mông Phụ, nhà thờ sứ thần Giang Văn Minh... Hiện nay, Đường Lâm đã có quy định về quản lý, bảo tồn làng cổ, có quy chế xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình phụ… "Đó là điều kiện cần và đủ để làng cổ ở Đường Lâm bảo đảm được tính xác thực, nguyên vẹn - yếu tố được UNESCO coi trọng" - ông Phạm Hùng Sơn khẳng định.

So sánh với nhiều ngôi làng tiêu biểu ở ba miền đất nước như làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế), Đông Hòa Hiệp (Tiền Giang) hay Phú Hội (Đồng Nai), rõ ràng làng cổ Đường Lâm có những giá trị nổi trội hơn.

Tiêu chí nào phù hợp?

Với những giá trị tiêu biểu còn lưu giữ, quần thể di tích làng cổ Đường Lâm đang được chính quyền thị xã Sơn Tây đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép lập hồ sơ, đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới với hai tiêu chí IV và V. Tiêu chí IV yêu cầu giá trị điển hình, nổi bật của loại hình xây dựng, kiến trúc, có cảnh quan môi trường sinh động, khẳng định những bước tiến, hội tụ đầy đủ cuộc sống, phong tục của người nông dân vùng Đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Trên phạm vi rộng, tiêu chí này "nói" được giai đoạn quan trọng về lịch sử nhân loại. Tiêu chí V thể hiện ở chính cuộc sống thường nhật, nơi cư trú của hơn 6.000 người, đại diện cho cộng đồng rộng lớn dân cư vùng Đồng bằng Bắc bộ với nghề chính là làm ruộng. Những người sinh sống trong làng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau theo các chi, nhánh và được chia theo các thứ bậc liên quan. Nhiều món ăn truyền thống vẫn được sử dụng trong bữa ăn của các gia đình, như: gà Mía, xôi tảng, chè kho, chè lam, chả nướng xiên lỗ, thịt quay đòn, nước chè tươi...

Nhiều năm quan tâm nghiên cứu về làng cổ Đường Lâm, GS Tomoda, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa quốc tế - Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), cho rằng: "Đường Lâm là làng cổ số một ở Việt Nam, nhưng nếu dựa vào tiêu chí IV và V để cạnh tranh với các di sản khác là chưa đủ. Các chuyên gia UNESCO rất coi trọng giá trị đặc trưng, dễ nhận ra, dễ nhìn thấy, trong khi những luận cứ chứng minh cho sự đặc trưng, tiêu biểu của làng cổ vùng Đồng bằng Bắc bộ rất nhiều, rất khó".

GS Tomoda góp ý hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nên bổ sung thêm tiêu chí III và VI. Với tiêu chí III, Đường Lâm có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang tồn tại, gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt thường nhật của người dân, nhưng nếu không kịp thời bảo tồn cũng có thể bị biến dạng hoặc mất đi nên rất cần được quan tâm. Lễ hội tưởng nhớ các vị vua Ngô Quyền, Phùng Hưng, đền thờ sứ thần Giang Văn Minh và nhiều tài liệu liên quan đến các nhân vật lịch sử này… có thể đưa vào tiêu chí VI (đề cao di sản có lễ hội, di sản mang tính phổ biến, các giá trị về văn học, nghệ thuật, danh nhân văn hóa...) để tăng tính thuyết phục. Cũng theo GS Tomoda, tư liệu, di tích về sứ thần Giang Văn Minh không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở Trung Quốc, phần nào chứng minh tính quốc tế đối với di sản - một trong những yếu tố được UNESCO coi trọng.

"Việt Nam thật may mắn khi còn giữ được làng cổ ở Đường Lâm. Thế hệ sau này nhìn vào, biết được ông cha mình đã sống, sinh hoạt, lao động như thế nào. Giữ được làng Việt là giữ được tâm hồn Việt, văn hóa Việt. Việc đề cử làng cổ Đường Lâm là Di sản văn hóa thế giới vì thế rất cần được các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt" - GS Tomoda nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội đủ yếu tố trở thành di sản thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.