(HNM) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) khẳng định, việc Hiến pháp mới quy định thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia được kỳ vọng sẽ bảo đảm tính khách quan trong chỉ đạo tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội
- Thưa ông, tại sao phải thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia trong khi hoạt động của Hội đồng Bầu cử TƯ thời gian qua được Quốc hội, Chính phủ đánh giá là hiệu quả?
- Trong những năm qua, các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp của nước ta đều diễn ra thành công. Tuy nhiên, theo mô hình tổ chức ở nước ta hiện nay, các thành viên của Hội đồng Bầu cử TƯ, Ủy ban Bầu cử các cấp đều hoạt động kiêm nhiệm, nhiều thành viên lại chính là ứng viên của các cuộc bầu cử đó, nên không tránh khỏi dư luận nghi ngại. Cũng do các tổ chức bầu cử này chỉ hoạt động kiêm nhiệm khi đến kỳ bầu cử, nên chưa có điều kiện để tuyên truyền phổ biến giáo dục công dân về ý thức bầu cử và pháp luật bầu cử một cách chuyên nghiệp. Vì vậy, không phải cử tri nào cũng hiểu về quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình.
Một bất cập nữa cũng không thể không nhắc đến là dù đóng vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Bầu cử TƯ còn có nhiều hạn chế vì đây chưa phải là một cơ quan hiến định độc lập với các cơ quan khác.
Do đó, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã đề nghị thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, hoạt động độc lập. Theo tôi, việc hiến định Hội đồng Bầu cử quốc gia là một bước quan trọng góp phần thể hiện tính khách quan trong chỉ đạo, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Bầu cử càng được tổ chức dân chủ, minh bạch và chặt chẽ thì chất lượng đạt được càng cao.
- Thời gian qua, có một số người đã trúng cử đại biểu Quốc hội, HĐND nhưng có đơn thư khiếu kiện, trong khi việc xử lý chưa tức thời. Vậy, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ khắc phục được hạn chế này?
- Hội đồng Bầu cử TƯ lâu nay chỉ hoạt động lâm thời (khi diễn ra bầu cử). Do đó, vấn đề trên theo quy định để Quốc hội khóa mới xem xét, xử lý. Nhưng khi đã có Hội đồng Bầu cử quốc gia hoạt động chuyên trách thường xuyên thì những đơn thư khiếu kiện sẽ giao cho cơ quan này vào cuộc xử lý ngay. Ngoài việc công nhận kết quả bầu cử, tư cách đại biểu một cách khách quan, độc lập, Hội đồng Bầu cử quốc gia còn là cơ quan nghiên cứu đổi mới công tác bầu cử, sắp xếp đơn vị bầu cử một cách khoa học, duy trì mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu trúng cử...
- Bầu cử lâu nay thường tiến hành theo nhiệm kỳ 5 năm, nhưng trong quá trình hoạt động sẽ không tránh khỏi có người bị ốm đau, qua đời. Theo ông phải giải quyết thực tế này thế nào?
- Đây là nội dung Hội đồng Bầu cử quốc gia cần tính giải pháp khắc phục. Tôi cho rằng, bình quân mỗi đại biểu Quốc hội đại diện cho 2- 3 vạn cử tri, nếu khuyết đại biểu Quốc hội thì cử tri nơi đó sẽ không có người đại diện, do đó cần tổ chức bầu bổ sung.
- Để bảo đảm khách quan trong công tác bầu cử, có ý kiến cho rằng, đã là thành viên hoặc Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, người đó không được giữ chức vụ khác trong Quốc hội. Ông có cùng chung quan điểm này?
- Ở các nước đa đảng, chọn ai đóng vai trò trọng tài trong công tác bầu cử không đơn giản. Song nước ta chỉ có một đảng lãnh đạo thống nhất nên chắc chắn việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia không khó. Nhưng chọn ai để vào các vị trí Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng cần nghiên cứu kỹ vì hầu hết những người lãnh đạo chủ chốt đều ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Tôi nghe nói có ý kiến đề xuất, hay chọn một người sắp nghỉ hưu, tức là người nhiệm kỳ trước từng làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử, nhiệm kỳ sau không làm nữa thì ra đảm trách vị trí này. Như vậy, cũng đồng nghĩa phải đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với người đảm đương trọng trách này (có thể là 70 tuổi) so với mặt bằng chung. Còn có một cách khác để bảo đảm khách quan trong công tác chỉ đạo bầu cử là ai được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia thì không tham gia đại biểu Quốc hội nữa, chỉ giữ lại vai trò vị trí quan trọng của Đảng thôi. Tại một số nơi, thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia còn được lấy từ liên đoàn luật sư, đại diện của các tổ chức xã hội, hoặc những lãnh đạo cao cấp có uy tín, có năng lực đã về hưu. Những cách trên đều cần tham khảo, xem xét kỹ, nhất là 2 phương án đầu tiên vì cách lựa chọn ấy phù hợp với xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng ta đang triển khai Hiến pháp, hơn lúc nào hết vấn đề Hội đồng Bầu cử quốc gia phải được thể hiện vào luật theo các nguyên tắc được thể hiện trong Hiến pháp, đặc biệt là các luật liên quan tổ chức Quốc hội, tổ chức Chính phủ, tổ chức tòa án…
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.