(HNMO)-Sáng 10-3, tại Đình Phả Trúc Lâm, Hội Da giầy TP Hà Nội, các thế hệ thợ da giầy ở Hà Nội và các địa phương trên cả nước đã long trọng tổ chức dâng hương tưởng nhớ công ơn của ông tổ nghề.
a ông tổ nghề.
Theo ông Đỗ Hoàng Trung, Phó ban quản lý Đình Phả Trúc Lâm, từ lâu lắm rồi, một trong bách nghệ trăm nghề của đất kinh kỳ là nghề thuộc da l và buôn bán nghề giầy da. Cùng với các ngành nghề khác, nghề thuộc da từ xưa đã thu hút khá nhiều thợ thủ công về lập nghiệp, đến nay nghề da giày xuất hiện ở Hà Nội đã ngót nghét 500 năm.
Các vị tổ nghề được tôn thờ là: Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung và ba người bạn cùng quê là các ông Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức Chính, Nguyễn Sĩ Bân. Bốn ông đều sống dưới triều Lê - Mạc (thế kỷ XV). Nguyễn Thời Trung đỗ tiến sĩ khoa thi Ất Sửu, niên hiệu Thuần phúc nguyên niên, làm quan cho triều Mạc đến chức Thừa chánh sứ. Trong thời gian Nguyễn Thời Trung làm Chánh sứ sang Trung Quốc, các ông đã dừng lại ở Hàng Châu, nghiên cứu sự tài khéo, tinh xảo trong nghề đóng giày ở đây. Trải qua bao gian nan vất vả, các ông đã học thuộc nghề, nắm vững các bí quyết về thuộc da, đóng giày để rồi truyền lại cho cháu con sau này và kể từ ngày đó, Việt Nam đã sản sinh ra các làng nghề, phố nghề đóng giày da thủ công tại Hà Nội. Thế kỷ XVII, các thợ giầy ở Hải Dương đã mang kỹ thuật đó lên hành nghề tại Thăng Long, rồi cư trú tại các phố Hàng Hành, Hàng Giầy,… và họ đã cùng nhau xây đình Phả Trúc Lâm để thờ ông tổ nghề da giầy. Năm 1991, trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc bảo vệ các di tích lịch sử thờ phụng các vị anh hùng có công đánh giặc giữ nước cũng như các vị tổ nghề đã đem lại những công nghệ làm cho dân giầu, nước mạnh là một truyền thống tốt đẹp được khơi dậy cùng với nguyện vọng của hàng ngàn những người theo nghề da giầy. Ngày 16-1-1995, đình Phả Trúc Lâm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định số 65 QĐ/BTT công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Hội Da giầy Thành phố Hà Nội hiện có gần 30 doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm ngành da như cặp da, túi xách, ba lô, giầy dép…Hàng năm cung cấp cho thị trường trong nước một khối lượng hàng lớn. Đối với các hoạt động xuất khẩu, ngành da giầy có nhiều cơ hội để phát triển. Đặc biệt trong bối cảnh một loạt các hiệp định thương mại quan trọng đang trong giai đoạn hoàn tất. Trong đó, có hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU... Sản phẩm da giầy có khả năng cạnh tranh cao về giá cả và chất lượng so với giá cả của các nước trong khối ASEAN và đặc biệt là hầu hết thị trường lớn như Bắc Mỹ, EU, Nhật bản…Thêm vào đó, mức tiêu thụ lớn với chất lượng cao của ngành hàng này đủ để đảm bảo đầu ra cho các hàng hóa chiến lược.
Nhận thức được vấn đề đó, trong năm qua các doanh nghiệp trong Hội da giầy TP Hà Nội đã luôn đi sâu nắm bắt thị trường, tự đầu tư mua sắm các loại máy móc chuyên dùng, đổi mới công nghệ sản xuất để năng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước như Trung quốc,Thái lan…Nhờ đó, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện được các mục tiêu kinh tế của doanh nghiệp đề ra. Nhiều Doanh nghiệp đã nhận được các đơn đặt hàng lớn xuất khẩu đến các nước Châu Âu… và cung cấp rất nhiều sản phẩm cặp da túi xách phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng chục ngàn lao động trên địa bàn với thu nhập bình quân 6,9 triệu đồng/tháng/người.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu ngành da, năm 2017, Hội da giầy TP Hà Nội sẽ tổ chức khóa đào tạo nâng cao kỹ năng thiết kế mẫu mã giầy dép xuất khẩu hợp chuẩn quốc tế. Đồng thời, gửi thư cho các doanh nghiệp tham dự hội thảo các hiệp định thương mại tự do nhằm giúp các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố định hướng thị trường chiến lược, tiềm năng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.