(HNM) - Tình trạng mất an ninh trật tự, cưỡng đoạt tài sản, thu "lệ phí" người dân… đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Nhiều nơi đã xuất hiện hình thức thu nợ bằng bạo lực, từ việc bắt giữ người trái pháp luật, đến việc đe dọa tính mạng con nợ và người nhà nạn nhân… Các vụ cộm cán được báo chí liên tục thông tin trong thời gian vừa qua đã và đang gióng lên một hồi chuông báo động về tình trạng tội phạm đang lũng đoạn xã hội.
Tại TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều loại tội phạm nghiêm trọng. Đặc biệt là tình trạng xã hội đen chi phối một số địa bàn, cán bộ địa phương và người dân… gây hoang mang lo lắng cho toàn xã hội. Những người có trách nhiệm cũng đã phải lên tiếng về một thực tế đau lòng là nhiều nơi, người dân sẵn sàng bỏ tiền ra thuê các tay anh chị để đòi nợ, bảo vệ bản thân chứ không nhờ đến sự giúp đỡ của công an… Đây có phải là một điều bất thường? Sự bất thường này có nguyên cớ từ đâu? Vấn đề này rất đáng phải suy nghĩ.
Qua những vụ tấn công truy nã tội phạm, có thể thấy rằng, rất nhiều nhóm anh chị thuê nhà sống đàng hoàng trong các khu dân cư, nhưng lực lượng chức năng chẳng mấy lưu tâm. Người dân biết nhưng không dám nói bởi có người bị đe dọa đánh đập, siết nợ… đâm đơn tố cáo, lập tức bị đám anh chị trừng phạt dã man. Và một điều rất đáng nói là chỉ khi xảy ra những vụ án lớn, thủ phạm mới bị trừng trị, còn lại rất ít bị xử lý… Điều này dẫn đến tình trạng "người ngay sợ kẻ gian, số đông sợ số ít". Khi người dân không tự bảo vệ được chính mình thì không thể nói đến chuyện bảo vệ người khác.
Phải chăng xã hội đen hoành hành, bất chấp pháp luật bởi có sự bảo kê của ai đó trong bộ máy công quyền? Những vụ án nghiêm trọng mới đây khiến nhiều người liên tưởng đến Năm Cam và những thủ đoạn hiểm ác của tập đoàn tội phạm này. Năm Cam đã bị pháp luật trừng trị nhưng những "ngón đòn" của y vẫn được giới anh chị cộm cán sử dụng và nâng cấp với mức độ ngày càng tinh vi, tàn bạo hơn. Trong đó có việc "mua chuộc người nhà nước". Theo nhận định của một vị lãnh đạo lực lượng hình sự của Bộ Công an thì: Nơi nào chính quyền, cơ quan chức năng lơ là, lơi lỏng là tội phạm trỗi dậy. Một số nơi có biểu hiện bao che. Đây là một thực tế buồn bởi một khi có người trong giới công quyền bao che cho tội phạm thì người dân bình thường biết trông cậy vào đâu?
Người dân ghi nhận những nỗ lực của cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật, không quên những hy sinh xương máu của không ít cán bộ chiến sỹ lực lượng công an trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm. Người dân cũng mong muốn những người mang trên mình trọng trách bảo vệ pháp luật cần phải biết giữ mình, bảo vệ cho lực lượng của mình… bởi như Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã nói: Nếu chúng ta mất cảnh giác, tội phạm sẽ tấn công ngược lại chúng ta; không tấn công trực tiếp thì tấn công gián tiếp qua người thân, gia đình chúng ta…
Để có một xã hội thuần khiết trong lành và an ninh cho mọi người thì điều đầu tiên là phải xây dựng một lực lượng bảo vệ an ninh trật tự đủ mạnh và trong sạch, đủ dũng khí đối đầu với mọi nguy hiểm và cám dỗ. Quan trọng hơn, bên cạnh việc tăng cường trấn áp, phòng chống tội phạm, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp bảo vệ lực lượng bởi tội phạm hiện nay đang ngày càng trở nên nguy hiểm, đặc biệt khi chúng hoạt động dưới "tán ô" của một bộ phận biến chất "khoác áo" người bảo vệ pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.