Sự kiện nằm trong khuôn khổ sự kiện “Giao lưu Văn hóa Hội An - Nhật Bản” lần thứ 19 đang diễn ra tại phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam)
Chương trình biểu diễn đặc sắc tái hiện đám cưới của Công Nữ Ngọc Hoa và thương gia người Nhật Bản Araki Sotaro thu hút nhiều du khách quan tâm theo dõi.
Công nữ Ngọc Hoa có tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Hoa, là con của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Bà được Chúa Sãi gả cho thương gia người Nhật Bản Araki Sotaro - một người chuyên buôn bán tại thương cảng Hội An thế kỷ XVII.
Sau khi làm rể Chúa Sãi, ông Araki mang tên Việt Nam là Nguyễn Hiển Hùng. Ông trở thành cầu nối cho chúa Nguyễn và các vương triều Nhật Bản vào thời điểm đó.
Công nữ Ngọc Hoa theo chồng về Nhật Bản năm 1619, sinh sống được 26 năm. Bà được người dân vùng Nagasaki hết sức quý mến.
Có giai thoại kể rằng Công nữ Ngọc Hoa thường gọi chồng là “Ai ơi”, dần dần trở thành tên gọi thân mật của bà là Anion. Bà qua đời năm 1645 và được an táng cạnh mộ chồng trong khuôn viên chùa Daionji tại Nagasaki.
Công nữ Ngọc Hoa là người Việt Nam đầu tiên định cư tại Nhật Bản, thế kỷ XVII. Hiện nay, Viện Bảo tàng Nghệ thuật Nagasaki vẫn còn lưu giữ chiếc gương soi của bà.
Câu chuyện của vợ chồng Công nữ Ngọc Hoa trở thành một truyền kỳ tại Nagasaki, là nguồn cảm hứng để người dân địa phương xây dựng thành một phần trong Lễ hội Okunchi được tổ chức từ ngày 7 đến ngày 9-10 hằng năm.
Ban tổ chức biểu diễn Lễ hội Okunchi tại Hội An tái hiện cảnh ông Araki đến Hội An rước Công nữ Ngọc Hoa lên thuyền về Nagasaki với các cảnh “Rước dâu – Đưa dâu”, “Lên thuyền về nhà chồng”, “Lênh đênh trên Biển Đông”...
Hoạt động tái hiện đám cưới Công nữ Ngọc Hoa trở thành một nét văn hóa đặc sắc của phố cổ Hội An, thu hút nhiều người dân, du khách.
Chương trình “Giao lưu Văn hóa Hội An - Nhật Bản” được thành phố Hội An phối hợp Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tổ chức từ 4-8 đến 6-8 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1873 - 2023), đồng thời tiếp nối mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa Hội An và Nhật Bản.
Dịp này, tại Hội An có các hoạt động văn hoá nghệ thuật như: Giao lưu nghệ thuật Việt Nam - Nhật Bản với các hoạt động nhảy Yosakoi, nhảy hiện đại, múa Bon, hóa trang, đua ghe ngang “Hội An, Nhật Bản và du khách” trên sông Hoài, hướng dẫn cắm hoa nghệ thuật Nhật Bản…
Trong khuôn khổ sự kiện, còn có các hoạt động trải nghiệm dành cho du khách tại không gian phố cổ như: Triển lãm tranh ảnh và tác phẩm điêu khắc, vẽ tranh, giải trí, giao lưu văn hóa, ẩm thực, trình diễn võ thuật Aikido, trình diễn trà đạo, thử trang phục Yukata…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.