Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học và làm theo Bác dạy về hoạt động báo chí

Võ Lâm| 21/06/2015 06:04

(HNM) - Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, người thầy của Báo chí Cách mạng Việt Nam không chỉ là tấm gương về thực hành nghề báo mà còn để lại những lời dạy bổ ích trở thành kim chỉ nam hành động đối với đội ngũ những người cầm bút.


Trước khi bàn về trách nhiệm xã hội của báo chí, cần nói về đạo đức nghề báo, bởi đây là "cái gốc" của người làm báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Người cho rằng: "Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa…"; và "… Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức hay không". Những điều Bác dạy vẫn còn nguyên giá trị cũng như tính thời sự. Bởi lẽ, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp là yếu tố tối quan trọng đối với những người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ là điều kiện thuận lợi để người làm báo thực hiện thiên chức của mình. Ảnh: Thái Hiền


Nhà báo trước hết cần có tư duy đúng, một tư duy đúng thì khó làm sai, một tư duy thấm đẫm đạo đức thì khó làm điều trái đạo đức. Trong giới báo chí, luôn có những câu chuyện hết sức xúc động về lòng yêu nghề, trân trọng nghề vô bờ bến. Nhà báo Phan Quang tự hào kể rằng, người đồng nghiệp đáng kính của ông, nhà báo Hoàng Tùng - "cây đại thụ của Báo chí Cách mạng Việt Nam" - trước khi mất dặn con chỉ đề trong phòng tang "Vô cùng thương tiếc Nhà báo Hoàng Tùng" mặc dù ông từng giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng và có đóng góp to lớn trên những cương vị đó. Có thể thấy, bài học về đạo đức nghề báo có lẽ trước hết là sự trân trọng, tình yêu nghề nghiệp mình lựa chọn và theo đuổi. Một khi yêu nghề, biết trân trọng nghề, tự khắc mỗi chúng ta sẽ nâng niu, cẩn trọng trong mỗi hoạt động tác nghiệp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói chuyện tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9-1962) đã căn dặn: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ". Không chỉ là chiến sĩ trên trang viết theo nghĩa bóng, nhiều người làm báo từng "hai lần làm chiến sĩ" khi vừa cầm súng vừa cầm bút. Trên 500 nhà báo liệt sĩ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chỉ là sự cống hiến, hy sinh hết sức đáng trân trọng.

Trước đó, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết trong thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà". Người xưa luôn quan niệm đã là "văn" thì phải "tải đạo", nên cụ Đồ Chiểu mới viết: "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà". Ngày nay, chúng ta nói viết báo phải có "chất văn", phải hàm chứa giá trị nhân văn - đó cũng là cùng chung khái niệm. Nên người làm báo hôm nay mãi là người chiến sĩ, người cán bộ cách mạng, những người tuyên chiến với cái ác, cái xấu, bảo vệ cái thiện, cái tốt; là những người phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân như lời của Bác: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta".

Suốt cuộc đời cống hiến, hy sinh quên mình cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam đã thực hành đạo đức nghề báo, trách nhiệm nghề báo một cách cụ thể và sáng rõ nhất. Kinh nghiệm thực hành ấy của Bác là bài học vẫn còn vẹn nguyên giá trị, cũng như tính thời sự: "Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? …"; "Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn"; "Không nên chỉ viết cái tốt và giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại… Phê bình phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn".

Học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là cách để mỗi người làm báo không mắc sai lầm, để có được ngòi bút chính nghĩa như kinh nghiệm mà nhà báo Hữu Thọ từng chia sẻ: "Cuộc đời làm báo của tôi, có việc làm được, có việc chưa làm được, có ưu điểm, cũng có không ít khuyết điểm, nhưng chưa bao giờ mắc sai lầm, đặc biệt là sai lầm chính trị. Đó là nhờ không ngừng rèn luyện ngòi bút chính nghĩa theo lời dạy của Bác". Học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là cách để đội ngũ những người cầm bút thực hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học và làm theo Bác dạy về hoạt động báo chí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.