Tiếp nối thành công của “199 mấy - Hồi ấy làm gì?”, cuốn sách tranh “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy” do tác giả Trang Neko và họa sĩ X.Lan thực hiện, tái hiện thời học sinh đáng nhớ của những năm 2000.
Ngày 9-3, tại Phố sách Hà Nội, thương hiệu sách trẻ Wings Books của Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách tranh “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy” và tổ chức giao lưu với tác giả Trang Neko, họa sĩ X.Lan về chủ đề “Trưởng thành từ 199 mấy đến năm 2000”.
Cuốn sách “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy” tập hợp gần 50 tranh vẽ của họa sĩ X.Lan, dựa trên lời kể dí dỏm, thú vị của tác giả Trang Neko, gồm 3 phần.
Phần 1 “Lớn rồi” kể về giai đoạn chuyển từ cấp một lên cấp 2. Tác giả kể về những cô bé, cậu bé bắt đầu tự đạp xe đi học với nhiều câu chuyện trên con đường đến trường; những lớp học thêm, phụ đạo kém hấp dẫn hơn quán thuê truyện tranh, quán net; nghĩ cách đặt cái tên "nickname" Yahoo thật kêu; trộn phấn với nhọ nồi để trang điểm giống thần tượng…
Phần II “Những trò hay ho, thời xưa khắc có” kể những trò mà có lẽ chỉ những ai đi học thời xưa mới trải qua: Tranh nhau đọc những tờ báo "quốc dân" như Hoa học trò, Mực tím, Nhi đồng, Thiếu niên tiền phong; chép lời bài hát; khắc hình trên thước kẻ; chuyền thư ngăn bàn…
Phần III “Ngày xưa ra sao, ngày nay vẫn vậy”, các tác giả kể về những điều mà có lẽ học sinh thời nào cũng trải qua. Có những nỗi ám ảnh bất biến theo thời gian, như giờ kiểm tra miệng, gặp đội sao đỏ, nội dung trong cuốn sổ ghi đầu bài, buổi họp phụ huynh…
Cuối cuốn sách có một phần rất đặc biệt: Những nỗi sợ vô hình, kể về nỗi sợ chung như quên sách vở ở nhà, bị điểm kém không dám về nhà…
Tác giả Trang Neko chia sẻ, những câu chuyện trong cuốn sách cũng là kỷ niệm, trải nghiệm của bản thân và những người bạn xung quanh. Tuy nhiên, cuốn sách được viết theo góc nhìn của một cô gái nên chắc sẽ thiếu sót những câu chuyện riêng của các bạn nam.
Về phong cách vẽ tranh, họa sĩ X.Lan cho biết, vẫn tiếp nối phong cách từ cuốn “199 mấy - Hồi ấy làm gì?” với nét vẽ hoài cổ, đáng yêu…
Thông qua cuốn sách, nhóm tác giả mong muốn làm sống lại một vài khoảnh khắc mà mỗi người lớn khi là học sinh đã trải qua. Để từ đó, người lớn có thể bao dung, thấu hiểu hơn với những đứa con đang ở độ tuổi học trò và trở thành một người bạn thực sự với các em.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.