Tuy chỉ là một thiếu niên đang ngồi trên ghế nhà trường, một học sinh tại Pháp đã làm thay đổi hiểu biết của loài người về sự hình thành của các thiên hà trong vũ trụ.
Neil Ibata (áo đen) và người cha, nhà vật lý thiên văn Rodrigo Ibata. Ảnh: sudouest.fr.
Neil Ibata, 15 tuổi, sống tại thành phố Strasbourg ở phía đông bắc nước Pháp. Cha cậu là con cả trong số ba người con của Rodrigo Ibata, một nhà vật lý thiên văn của Đài Thiên văn Strasbourg. Hai năm trước Neil tới Đài Thiên văn Strasbourg vào mùa hè trong hai tuần trong tháng 9 để học ngôn ngữ lập trình Python.
Khi đó ông Rodrigo đang chỉ đạo một nhóm chuyên gia thiên văn nghiên cứu những thiên hà lùn xung quanh Andromeda, thiên hà gần dải Ngân Hà nhất. Biết con đang học lập trình, ông nhờ Neil tạo ra một mô hình máy tính để ông có thể hình dung vị trí và tốc độ xoay của các thiên hà xung quanh Andromeda.
"Tôi tìm ra giải pháp vào buổi tối hôm sau", Neil kể với Le Monde.
Mô hình máy tính của Neil cho thấy những thiên hà lùn xung quanh Andromeda di chuyển khá đồng bộ và chúng co cụm thành một khối có dạng đĩa lớn nhưng mỏng.
"Trước đó tôi dự đoán một kết quả trái ngược hoàn toàn", Rodrigo thừa nhận khi trả lời phỏng vấn của AFP.
Mặc dù giới thiên văn chưa hiểu nguyên nhân khiến các thiên hà lùn di chuyển đồng bộ và tạo thành khối dạng đĩa mỏng, họ vẫn tin rằng phát hiện của Neil sẽ làm thay đổi hiểu biết của loài người về quá trình hình thành của các thiên hà.
Công trình của Neil vừa xuất hiện trên tạp chí khoa học Nature. Hiện tại Neil là người trẻ nhất từng công bố nghiên cứu trên tạp chí uy tín này. Cậu nói được tiếng Trung, Đức và Anh. Ngoài ra Neil còn học đàn dương cầm. Thiếu niên này không biết liệu cậu sẽ trở thành nhà vật lý thiên văn giống để nối nghiệp cha trong tương lai hay không, nhưng chắc chắn sẽ theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.