Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học làm người

Hà Anh| 08/09/2022 07:39

(HNMCT) - Thứ hai là ngày đầu tuần, vừa là ngày làm việc đầu tiên của tháng mới đồng thời cũng là ngày “toàn dân đưa trẻ đến trường”. Tràn ngập trên các trang báo điện tử, mạng xã hội là hình ảnh gương mặt rạng rỡ, hào hứng của những chủ nhân tương lai của đất nước trong ngày khai giảng năm học mới - một ngày tựu trường đúng nghĩa chứ không như dịp năm ngoái thầy trò cả nước phải khai giảng trực tuyến do dịch bệnh căng thẳng, phức tạp…

Trong câu chuyện hàn huyên ở công sở sau kỳ nghỉ lễ, chủ yếu xoay quanh việc học của con trẻ, vẫn phảng phất nỗi ưu tư. Đã qua “cái đận”, đúng hơn là một quãng thời gian rất dài phải thường trực nỗi lo chuyện học hành của con cái nên tôi cũng thấu hiểu và chia sẻ với các đồng nghiệp trẻ. “Nào bàn nào ghế, nào sách nào vở...”. Ngoài chuyện chọn trường chọn lớp, thậm chí chọn thầy cô, thì chỉ riêng các khoản thu đầu năm học cũng đã đủ chóng mặt. Thời buổi "thóc cao gạo kém”, có con đi học rõ ràng là một áp lực không hề nhỏ.

Nhưng, áp lực với phụ huynh đã đành, chuyện học hành cũng là một “gánh nặng” đối với con trẻ ở Việt Nam. “Gánh nặng” ở đây không chỉ là trọng lượng của chiếc cặp hay ba lô trên lưng lũ trẻ, bên trong chứa vô số vở ghi, vở bài tập, vở học thêm, sách giáo khoa, sách tham khảo…, mà còn là áp lực tinh thần với nỗi lo học trên lớp, làm bài tập ở nhà, rồi điểm số, học chính khóa, học thêm, thi cử, chọn ngành chọn nghề, kiếm việc làm… Và đây không phải là chuyện của một học kỳ hay một năm học, mà nó kéo dài suốt quãng đời mười mấy năm của một con người, từ khi bắt đầu đến trường cho đến lúc trưởng thành. Đáng nói là “gánh nặng” của trẻ chủ yếu do người lớn tạo ra.

Thực tế hằng ngày đi đường không khó bắt gặp những em nhỏ lưng đeo ba lô sách vở vừa ngủ gà gật sau xe máy do cha mẹ chở, nếu không ngủ gật thì đang trệu trạo ăn cái bánh mì hay uống hộp sữa để lấy sức “chạy sô” tới lớp học thêm sau giờ học chính khóa. Về đến nhà thì lại vùi đầu vào học, làm bài tập đến tận nửa đêm. Qua câu chuyện của bạn bè, đồng nghiệp, người thân, mới thấy thời gian biểu hằng ngày của các con hầu như dành phần lớn cho việc học, học và học. Nhớ lại những năm tháng đi học của lứa học trò mấy chục năm trước và những điều “mắt thấy tai nghe” hay được đọc, được xem về chuyện học hành của trẻ em ở các nước phát triển, càng thấy thương đám trẻ ở ta bây giờ khi chúng hầu như không có được tuổi thơ đúng nghĩa.

Mặc dù vậy, tiếng là học nhiều song không ít trẻ trong cuộc sống vẫn “như gà công nghiệp”, kể cả vị thành niên hay thậm chí đã là thanh niên nhưng vẫn chỉ như “đứa trẻ to xác”. Chưa nói chuyện ứng xử thiếu văn hóa, “nói tục như hát hay” hoặc sa vào các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường..., nhiều đứa trẻ có biểu hiện sống ích kỷ, vô cảm, thiếu quan tâm đến những người xung quanh, sống ảo, dựa dẫm vào cha mẹ, ngại khó ngại khổ, lười suy nghĩ, thiếu ý chí tiến thủ, thiếu tính sáng tạo… Nguyên nhân là do nhà trường mắc "bệnh thành tích”, chú trọng nhồi nhét kiến thức, chương trình giáo dục nặng tính hàn lâm, nhiều lý thuyết mà ít thực tiễn, đặc biệt là xem nhẹ phần dạy kỹ năng sống. Về phía gia đình, trong vài thập niên trở lại đây, mặt trái của kinh tế thị trường đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của các bậc cha mẹ, nên ngoài việc cưng chiều trẻ thái quá, phần lớn phụ huynh đều mong muốn con em mình phấn đấu học tập, đỗ đạt để thành “ông nọ bà kia”, ít người quan tâm dạy con kỹ năng sống, lý tưởng sống cũng như các bài học ứng xử để “làm người”…

Những hạn chế nói trên đòi hỏi cần phải khắc phục, thay đổi một cách quyết liệt. Thật đáng mừng khi năm học 2022-2023 này, ngành Giáo dục đã xác định mục tiêu giáo dục không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, phát triển kỹ năng sống cho học sinh, hài hòa giữa đức - trí - thể - mỹ, hướng tới phát triển con người, giúp các em trở thành công dân tốt, có kỹ năng để làm việc và tự tin hội nhập, đồng thời trở thành người con hiếu thảo, có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, với quê hương, Tổ quốc mình. Và chúng ta có thể hy vọng vào những mùa trái ngọt sẽ tới, bắt nguồn từ những chuyển động tích cực trong năm học này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học làm người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.