Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động tình nguyện: Không thể nặng về hình thức (Bài cuối)

Nhóm PV Nội chính| 16/09/2013 06:14

(HNM)-Tính thiết thực của phong trào thanh niên tình nguyện không chỉ thể hiện ở hiệu quả mỗi hoạt động mang lại cho cộng đồng, xã hội, mà còn có giá trị đem lại nhiều kiến thức, kỹ năng sống cho các tình nguyện viên.

Bài cuối: Bắt đúng “bệnh” để điều trị

(HNM) - Tính thiết thực của phong trào thanh niên tình nguyện không chỉ thể hiện ở hiệu quả mỗi hoạt động mang lại cho cộng đồng, xã hội, mà còn có giá trị đem lại nhiều kiến thức, kỹ năng sống cho các tình nguyện viên.

Song, thực tế cho thấy, hiện nay còn nhiều tình nguyện viên chưa "cháy" hết mình với hoạt động tình nguyện; nhiều cán bộ đoàn, hội còn tư tưởng chung chiêng, chưa nhất quán về mục tiêu, ý nghĩa, cách thức tổ chức, dẫn đến hiệu quả hoạt động tình nguyện ở đâu đó vào những thời điểm cụ thể còn hạn chế, hình thức. Vậy, đâu là giải pháp? 

Để hoạt động tình nguyện không sa vào phô trương, hình thức, rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm.
Ảnh: Việt Hương


Đâu là “mầm bệnh” ?

Hiện nay, dư luận cho rằng hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ Thủ đô phát triển nhanh về chiều rộng, song còn thiếu chiều sâu. Vì sao như vậy? Xin dẫn lời chia sẻ của Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà: Chúng tôi chủ trương tập trung hướng về cơ sở, hạn chế hoạt động bề nổi để đầu tư có chiều sâu về thời gian, nhân lực, kinh phí cho cơ sở. Các hoạt động lớn, Đoàn thành phố sẽ giao dần cho cấp cơ sở đăng cai, vừa có thể tiếp cận nhanh chóng đội ngũ đoàn viên, vừa tạo cho cán bộ cơ sở điều kiện nâng cao tính chuyên nghiệp trong công việc. Tuy nhiên, theo đánh giá về chất lượng cán bộ Đoàn nhiệm kỳ vừa qua thì hơn nửa số cán bộ đoàn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, một bộ phận cán bộ đến với Đoàn như là bước đệm, chỗ trú chân với những động cơ phấn đấu không trong sáng...

Điều này phần nào lý giải vì sao nhiều cán bộ đoàn chưa hết mình với nhiệm vụ, nhất là đối với phong trào tình nguyện không mang tính bắt buộc, cán bộ đoàn thiếu ý thức càng dễ “bỏ quên” trách nhiệm. Khi cán bộ lơ là, chắc chắn khó tập hợp, giáo dục và giữ chân được đoàn viên, thanh niên tâm huyết, trách nhiệm với hoạt động của đoàn. Như vậy, có thể khẳng định, đây chính là “mầm bệnh” hình thức, phô trương, lãng phí trong một số hoạt động tình nguyện của đoàn. Chưa hết, ghi nhận từ thực tế còn cho thấy, hiện nay khá nhiều nội dung hoạt động của phong trào thanh niên tình nguyện đa dạng, song không có khuôn mẫu, trong khi đó đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở yếu dẫn đến hiệu quả kém. Bí thư đoàn xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) Nguyễn Việt Hưng mạnh dạn phê phán, hoạt động tình nguyện chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục, nhiều khi chỉ tổ chức vào các dịp cao điểm, khi có sự kiện, nên chưa tạo thành thói quen, nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức đoàn. Điều này dẫn đến tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, nặng về hình thức, đó là quan tâm số lượng thành viên tham gia hơn là chất lượng công việc. đáng buồn hơn nữa, tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “phát” nhưng không “động” cũng xuất hiện khá phổ biến trong hoạt động tình nguyện.

Chữa “bệnh” phải từ gốc

Để chữa những căn bệnh của đoàn trong các hoạt động tình nguyện, hầu hết cán bộ đoàn khi được hỏi đều đồng tình kiến nghị, việc quan trọng và cấp thiết nhất là phải tăng cường nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên thanh niên về vị trí, vai trò quan trọng của các hoạt động tình nguyện. Song song với đó là chú trọng bố trí công việc tình nguyện gắn với chuyên môn, giúp họ phát huy vai trò, sức lực, trí tuệ của mình và “cháy” hết mình với hoạt động tình nguyện. Đây chính là hai yếu tố tạo nên đòn bẩy quan trọng để phong trào đi lên tầm cao mới.

Theo thạc sĩ Nguyễn Đức Quang, Bí thư đoàn trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, để hoạt động tình nguyện thiết thực, cần sự chỉ đạo trực tiếp và định hướng cụ thể của thành đoàn, đồng thời, trước chiến dịch tình nguyện, cần có nhiều buổi tọa đàm giúp sinh viên tình nguyện hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tính hiệu quả của hoạt động tình nguyện tác động đến người dân, dư luận xã hội. Thạc sỹ Lê Hoàng Anh, Bí thư đoàn trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cho rằng, tổ chức đoàn cần đổi mới tư duy quản lý, phương pháp tổ chức hoạt động, đồng thời, cần tăng cường tính chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trong quản lý, tổ chức xây dựng các chương trình tình nguyện. Bên cạnh phong trào lớn để tạo sức lan tỏa trong xã hội, cũng cần có những chương trình, hoạt động cụ thể dễ làm, dễ nhân rộng và mang lại hiệu quả cụ thể.

Với hàng loạt vấn đề trên, thiết nghĩ, các cấp bộ đoàn cũng cần lưu tâm hơn nữa đến việc bồi đắp lý tưởng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên. phải làm sao để mỗi cán bộ, đoàn viên khi tham gia tình nguyện đều thấy rằng sự đóng góp của họ, dù ở góc độ nào cũng đều có tác động trực tiếp đến con người, một nhóm người, thậm chí là đông đảo nhân dân. Tác động tốt của hoạt động tình nguyện chắc chắn sẽ làm cho xã hội tốt đẹp hơn, còn nếu theo chiều ngược lại, không chỉ gây tổn thất về kinh phí, nguồn lực, nguy hại hơn còn làm giảm uy tín của cả một tổ chức, trong khi đoàn đóng vai trò vô cùng quan trọng - là cánh tay phải của Đảng. Do vậy, không thể coi việc hoạt động tình nguyện mang tính chất may rủi, tùy tiện, thích điều chỉnh hay thực hiện kiểu gì cũng được. Càng không thể để tồn tại những “mầm bệnh” trong đội ngũ thanh niên, tuổi trẻ - những người được lựa chọn tham gia các hoạt động tình nguyện, bởi hiệu ứng tiêu cực từ những việc làm thiếu nghiêm túc của các tình nguyện viên có thể làm hỏng cả nhân cách những chủ nhân tương lai của đất nước.

Trước tất cả những vấn đề đặt ra như vậy, tổ chức đoàn cần xác định việc nâng cao chất lượng các hoạt động tình nguyện bằng cách loại bỏ những “hạt sạn” trong nhận thức, những “mầm bệnh” đã và đang tồn tại. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã lưu ý “Lãnh đạo mà không có kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Với thực trạng hiện nay, các cấp bộ đoàn càng hết sức lưu tâm tới nhiệm vụ này, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có cơ chế, quy định cụ thể cho từng hoạt động gắn với đó cần xây dựng tiêu chí để xác định, quy trách nhiệm cho cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, có cơ chế cụ thể ngay cả với việc phối hợp cùng chính quyền địa phương, nhà trường, cơ quan, đoàn thể có thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện, để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, giáo dục, loại bỏ tư tưởng sai lệch.

Bằng các biện pháp tổng hợp như vậy, tin rằng hoạt động tình nguyện sẽ ngày càng có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng và xã hội, đồng thời bồi đắp lý tưởng, tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì lợi ích chung cho thế hệ trẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động tình nguyện: Không thể nặng về hình thức (Bài cuối)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.