Lần đầu tiên, Hà Nội đã xây dựng và chuẩn bị ban hành nghị quyết riêng về hoạt động thử nghiệm có kiểm soát - một công cụ thể chế tiên tiến cho phép sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới được thử nghiệm trong môi trường được giám sát, minh bạch.
Không chỉ hiện thực hóa quy định tại Luật Thủ đô năm 2024, nghị quyết này còn mở ra hành lang pháp lý linh hoạt, tiếp sức cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển bền vững.
Cụ thể hóa Luật Thủ đô bằng thể chế tiên phong
Trong bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực tăng trưởng chủ đạo, Hà Nội đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá. Một trong những bước đi quan trọng là việc chuẩn bị ban hành nghị quyết của HĐND thành phố quy định hoạt động thử nghiệm có kiểm soát, nhằm cụ thể hóa Điều 25 Luật Thủ đô năm 2024, điều luật lần đầu tiên quy định quyền của thành phố trong việc phê duyệt, kiểm soát các phương án thử nghiệm đổi mới sáng tạo.
Đây là bước thể chế hóa quan trọng, chuyển định hướng chiến lược thành chính sách cụ thể. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: “Chúng tôi đang cần những công nghệ, mô hình kinh doanh mới để đưa vào thử nghiệm ở các không gian nhất định. Đây là cơ chế cho phép cái mới có rủi ro thì kiểm soát, có sai thì sửa, rất cần thiết trong thực tiễn đổi mới sáng tạo”.
Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đã được nhiều nước như Singapore, Anh, Pháp, Hàn Quốc… áp dụng thành công. Nay, với nền tảng pháp lý từ Luật Thủ đô năm 2024, Hà Nội trở thành một trong những địa phương đầu tiên ở Việt Nam chủ động xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, dự kiến tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm.
Theo dự thảo nghị quyết, hoạt động thử nghiệm có kiểm soát sẽ được thực hiện trong không gian vật lý (khu công nghệ cao, một số tuyến phố, trung tâm công nghiệp văn hóa, phòng thí nghiệm, bệnh viện, trường học…) hoặc không gian mạng (môi trường số mô phỏng, cơ sở dữ liệu giả lập, mạng riêng ảo...). Mỗi phương án thử nghiệm được đánh giá rõ rủi ro, thời gian, phạm vi, tác động xã hội và trách nhiệm bồi thường nếu có sự cố phát sinh.
Các sản phẩm được thử nghiệm phải có tính đổi mới sáng tạo, giải quyết bài toán thực tiễn, đồng thời quy định pháp luật hiện hành chưa có hoặc chưa phù hợp. Thời gian thử nghiệm tối đa là 3 năm, được phép gia hạn một lần. Đáng chú ý, toàn bộ quy trình đăng ký, thẩm định, cấp phép được thiết kế chặt chẽ nhưng linh hoạt, tập trung vào hậu kiểm trên cơ sở mục tiêu rõ ràng.
Thử nghiệm cái mới để thúc đẩy cái lớn
Một điểm nổi bật của nghị quyết này là khuyến khích sự tham gia đa chiều của các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: Từ các doanh nghiệp công nghệ, khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cho đến người tiêu dùng, cộng đồng dân cư trong không gian thử nghiệm. Đây là cách tiếp cận mang tính hệ sinh thái, bảo đảm đổi mới sáng tạo không chỉ là câu chuyện của công nghệ mà còn gắn với lợi ích người dân và sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Nghị quyết cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình thử nghiệm như: Vượt phạm vi cấp phép, lạm dụng dữ liệu người dùng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quảng cáo sai sự thật, thử nghiệm các sản phẩm trái đạo đức xã hội… Những quy định này nhằm kiểm soát chặt chẽ rủi ro nhưng vẫn để ngỏ không gian cho sự sáng tạo bứt phá.
Các lĩnh vực được ưu tiên thử nghiệm cũng thể hiện tầm nhìn dài hạn: Công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ tài chính, đô thị thông minh, năng lượng sạch, công nghệ giáo dục - y tế, mô hình kinh doanh mới trong công nghiệp văn hóa… Đây đều là những lĩnh vực có tốc độ đổi mới nhanh, chịu nhiều rào cản pháp lý và có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của người dân cũng như năng lực cạnh tranh của Thủ đô.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Trần Anh Tuấn, việc ban hành nghị quyết này sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt lớn trong quá trình chuyển giao và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Hiện nay, nhiều sản phẩm công nghệ sau nghiên cứu hoặc có nhu cầu chuyển giao nhưng bị “mắc cạn” do chưa có hành lang pháp lý phù hợp. Thử nghiệm có kiểm soát chính là công cụ mang tính “cầu nối”, vừa giúp kiểm chứng hiệu quả, vừa làm cơ sở điều chỉnh chính sách pháp luật một cách linh hoạt, sát thực tiễn.
Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ sản phẩm công nghệ, nghị quyết còn là bước thử nghiệm chính sách, giúp thành phố rút ra kinh nghiệm để hoàn thiện mô hình quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, làm cơ sở kiến nghị Trung ương ban hành các chính sách pháp luật áp dụng trên toàn quốc.
Với nghị quyết về thử nghiệm có kiểm soát sắp được ban hành, Hà Nội đang mở ra một giai đoạn phát triển mới: Chấp nhận cái mới, thử cái mới và kiểm soát cái mới. Đây không chỉ là bước tiến trong tư duy chính sách, mà còn là cam kết mạnh mẽ của chính quyền thành phố trong việc đồng hành với đổi mới sáng tạo, vì một Thủ đô văn minh, hiện đại, bền vững và hội nhập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.