(HNM) - Cả nước hiện có gần 12.000 luật sư, hơn 5.000 người tập sự hành nghề luật sư. Cùng với sự phát triển của lực lượng này, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bộ Tư pháp đang tính đến giải pháp siết chặt hơn tiêu chuẩn trở thành luật sư, đồng thời tăng cường công tác quản lý.
Chất lượng hành nghề của đội ngũ luật sư đóng vai trò quan trọng trong hoạt động cải cách tư pháp. |
Nhiều luật sư bị xóa tên vì thiếu tài, kém đức
Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, số lượng luật sư bị xóa tên ngày càng tăng. Từ đầu năm đến nay, Bộ đã thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của 29 trường hợp, trong đó 12 trường hợp do bị kỷ luật xóa tên khỏi danh sách của Đoàn luật sư. Trong 12 trường hợp này, có 8 trường hợp bị xử lý do vi phạm quy định của Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam; 1 trường hợp là Lê Anh Ngọc (tỉnh Bắc Ninh) bị kết án về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Bản án 71/2016/HSST ngày 18-5-2016 của Tòa án nhân dân TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Trước đó, trong năm 2016, các Đoàn luật sư đã xử lý kỷ luật xóa tên 73 luật sư (56 trường hợp do không nộp phí thành viên, 17 trường hợp do bị xử lý kỷ luật).
Trước thực trạng đạo đức, hành vi ứng xử của một số luật sư chưa đúng chuẩn mực của nghề, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đặng Kim Hoa cho biết: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư đang được Bộ Tư pháp xây dựng với nhiều quy định nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của luật sư.
Thực tế có không ít luật sư sử dụng trang cá nhân hoặc các diễn đàn trên mạng internet bày tỏ quan điểm, thái độ hay quảng bá tên tuổi của mình "quá đà". Đặc biệt, năm 2014, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có công văn gửi Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh kiến nghị, xem xét xử lý đối với một luật sư do đã viết những lời lẽ thiếu tôn trọng, xúc phạm tòa trên Facebook. Không ít ý kiến đề xuất, luật sư sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề nếu những phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề luật sư, phương hại đến người khác. Đồng thời, luật sư không được nhận và thực hiện vụ việc với mục đích trái pháp luật, trái nguyên tắc hành nghề luật sư; không được tập trung, lôi kéo, kích động người khác nhằm gây rối trật tự công cộng hoặc nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Tăng cường kiểm tra chất lượng
Cho rằng những đổi mới nêu trên sẽ tạo khung pháp lý theo hướng, luật sư có quyền nói nhưng không được thái quá, làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác và quy định còn giúp bảo vệ tính cao quý của nghề luật sư mà xã hội tôn vinh, một số thành viên Ban soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2013/NĐ-CP bày tỏ ý kiến ủng hộ.
Tuy nhiên, khi xem xét tới tính khả thi, không ít luật sư lại cho rằng, quy định này khó áp dụng trên thực tế. Tiêu chí nào để đánh giá các phát ngôn trên mạng xã hội của luật sư là xúc phạm đến hình ảnh, uy tín của nghề và cá nhân, tổ chức khác? Trong khi, luật sư có quyền có ý kiến và nghĩa vụ tuyên truyền pháp luật thông qua các vụ án, sự việc cụ thể. Vậy nếu cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng làm sai mà luật sư đưa lên mạng xã hội với những lập luận không đồng tình thì có bị coi là xúc phạm họ hay không?...
Ở một góc độ khác, nếu đề ra quy định nhưng không kiểm tra việc thực hiện thường xuyên cũng sẽ không hiệu quả. Tại hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2017 diễn ra trong trung tuần tháng 7 vừa qua, Bộ Tư pháp cho biết, có hiện tượng, một số đối tượng bị kỷ luật, bị cho nghỉ việc ở ngành khác, gian dối hồ sơ nhằm có được vỏ bọc các chức danh bổ trợ tư pháp, nhất là luật sư, để lợi dụng quyền tự do, dân chủ chống đối Nhà nước. Trong khi đó, Sở Tư pháp, chính quyền địa phương một số nơi lại không thực hiện hết trách nhiệm thẩm định. Điển hình là ông N.V.R ở Sóc Trăng, đã bị Chủ tịch nước cách chức thẩm phán, 5 lần bị xử lý kỷ luật, khai trừ Đảng do ý thức kém nhưng vẫn được địa phương xác nhận đủ điều kiện (trong đó có đạo đức tốt) cấp chứng chỉ hành nghề để gửi lên Bộ. Hoặc Sở Tư pháp Hải Dương nhận được hồ sơ xin đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của một trường hợp nguyên là cán bộ công an. Với người này, trong 5 năm đã 3 lần bị kỷ luật, sau đó bị cho ra khỏi ngành, nhưng địa phương vẫn xác nhận theo hướng có lợi.
Thậm chí, còn hiện tượng Đoàn luật sư đề cao vai trò tự quản, không tuân thủ các yêu cầu của cơ quan nhà nước. Như vậy, để đáp ứng yêu cầu quản lý, bên cạnh siết tiêu chuẩn, các tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm tra hoạt động hành nghề luật sư. Tại Hà Nội, Sở Tư pháp cho biết, thành phố sẽ có 2 đợt kiểm tra về tổ chức, hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn. Đợt 1, dự kiến thực hiện trong tháng 8-2017; đợt 2 dự kiến trong tháng 10-2017. Một trong những mục tiêu của hoạt động này nhằm kịp thời phát hiện những tồn tại, vi phạm để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý theo quy định…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.