(HNM) - Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng GDP đang sụt giảm, sản xuất công nghiệp không thuận lợi và hoạt động nông nghiệp gặp khó khăn thì kết quả hoạt động của lĩnh vực đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vẫn khả quan, tiếp tục đà tăng trưởng từ năm trước…
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Hoya Glass Disks Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Viết Thành |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã thu hút được 6,88 tỷ USD vốn ĐTNN, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, đã xuất hiện dự án công nghệ cao, quy mô lớn, như dự án LG Display (Hàn Quốc), trị giá 1,5 tỷ USD tại Hải Phòng. Dự án này sẽ có tác động lan tỏa, kéo theo sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư khác, với vai trò là dự án vệ tinh để cung cấp linh kiện cho LG Display. Tại Hà Nội, Tập đoàn Samsung cũng góp mặt với dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển, có tổng vốn đăng ký 300 triệu USD. Ngoài ra, một số dự án có quy mô từ 50 triệu USD đến hơn 200 triệu USD cũng được cấp phép, làm sáng lên bức tranh ĐTNN trong 4 tháng qua.
Giải thích hiện tượng trên, TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) ĐTNN cho rằng, chính sự ổn định và không ngừng cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thu hút vốn ĐTNN. Hơn thế, trước ngưỡng cửa tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, với những điều kiện thông thoáng, rộng mở và đặc biệt là mức thuế suất rất thấp, từng bước lùi về 0%, Việt Nam đã trở thành "điểm đến thuyết phục" các nhà ĐTNN. Cũng theo TS Nguyễn Mại, dư địa cho việc hấp dẫn vốn ĐTNN nhìn chung vẫn khá lớn, vì vậy cần xác định đây là mục tiêu chiến lược, mà nếu làm tốt sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thực tế, các DN Mỹ liên tục khẳng định sẽ cải thiện vị trí của mình trong bảng xếp hạng ĐTNN ở Việt Nam thông qua việc sẵn sàng nghiên cứu, triển khai dự án cụ thể trong nhiều lĩnh vực, như phát triển hạ tầng, công nghệ cao, thương mại bán lẻ, bảo hiểm… Trong khi đó, Hàn Quốc nổi lên chiếm vị trí số 1 về ĐTNN tại Việt Nam trong 4 tháng qua; tiếp theo là Singapore với sự quan tâm rất lớn đến việc thiết lập mạng lưới sản xuất, xuất khẩu sản phẩm ra thị trường toàn cầu. Cộng đồng DN Nhật Bản cũng không đứng ngoài cuộc, khi xác định Việt Nam là địa chỉ trọng tâm để ưu tiên đầu tư và có hơn 60% DN cho biết sẵn sàng mở rộng kinh doanh ở Việt Nam trong tương lai gần. Nói cách khác, tiềm năng to lớn về giao lưu thương mại đang thúc đẩy, kéo theo những cơ hội đầu tư cụ thể.
Một thông số rất quan trọng là các dự án ĐTNN đã giải ngân 4,65 tỷ USD để mua sắm dây chuyền sản xuất, nguyên liệu - vật tư đầu vào, xây dựng nhà xưởng… Qua nguồn vốn ĐTNN được giải ngân, năng lực sản xuất của quốc gia cũng được gia tăng đáng kể, tạo thêm việc làm, nguồn thu cho xã hội. Việc kết quả giải ngân tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015 là bằng chứng thể hiện sự lạc quan của giới ĐTNN về cơ hội làm ăn tại Việt Nam.
Đến nay, cộng đồng DN ĐTNN vẫn đóng góp khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, hơn 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và trở thành khu vực kinh tế năng động nhất. Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung cải cách hành chính, sẵn sàng đồng hành cùng DN ĐTNN, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh là thông điệp được gửi tới cộng đồng DN trong thời gian qua. Điều này thể hiện rõ quyết tâm mở cửa, hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới, đưa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.