(HNM) - Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Võ Thị Ánh Xuân ngày 30-3, dự Hội nghị tổng kết thực hiện giao ước thi đua năm 2022 và ký kết giao ước thi đua năm 2023 do Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam Bộ tổ chức tại Bình Dương.
Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam Bộ bao gồm 7 tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Ninh Thuận. Trong thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng của các địa phương trong Cụm đã góp phần giúp hoàn thành những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao công tác thi đua khen thưởng của Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã góp phần tạo sự chuyển biến năng động, sáng tạo, đạt kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm và các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người dân và lao động.
Nhấn mạnh thi đua cũng là động lực, là cách thức để chung sức đồng lòng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân mong muốn các địa phương trong Cụm cần xác định vai trò của thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay nhằm đưa thi đua yêu nước hòa quyện vào cuộc sống, trở thành động lực thật sự cho sự phát triển của vùng trong thời gian tới cũng như giai đoạn mới.
* Tại trụ sở Chính phủ, sáng 30-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng, dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch). Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu, quy hoạch cần có độ chính xác lớn, tính khả thi cao, sát với nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra; dự báo dài hạn, bảo đảm sự chủ động, ổn định về nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế. Bộ Công Thương và đơn vị tư vấn lập quy hoạch tiếp tục tiếp cận và bổ sung quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ… trong lĩnh vực năng lượng. Dự thảo quy hoạch phải đánh giá, chỉ ra những tồn tại, vướng mắc về hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng, dầu, khí đốt quốc gia trước đó; mức độ xung đột với các quy hoạch khác; bất cập về công nghệ dự trữ, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn môi trường…
Nhắc lại bất cập của thị trường xăng, dầu cuối năm 2022, đầu năm 2023, Phó Thủ tướng khẳng định, quy hoạch là “xương sống”, năng lượng huyết mạch cho nền kinh tế, phải được tính toán dựa trên các yêu cầu thực tiễn; đồng thời giải quyết các “bài toán” về dự báo nhu cầu, phù hợp, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch về đất đai, môi trường, giao thông, đô thị...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.